TRÁCH NHIỆM MỞ RỘNG CỦA NHÀ SẢN XUẤT (EPR) ĐỐI VỚI VẤN ĐỀ GIẢM RÁC THẢI NHỰA

28/12/2021

Vấn đề nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và tái chế, ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm thiểu ô nhiễm môi trường là sự nỗ lực của mỗi quốc gia khi đang phải đối diện với lượng rác thải nhựa tăng lên từng ngày. Trên toàn thế giới, khoảng 25 – 40% khối lượng nhựa tiêu thụ được dùng đóng gói chỉ một lần, và khoảng 60 – 90% rác thải đại dương là nhựa. Liệu lời giải nào cho bài toán “giảm rác thải nhựa”, tái chế và xử lý ra sao, hay phải chờ đến hàng nghìn năm để phân hủy trong khi môi trường sống đang ngày càng bị đe dọa?

Ảnh minh họa (© WWF)

EPR (Extended Producer Responsibility- trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) trong việc quản lý chất thải, là một công cụ quản lý bằng pháp luật được thiết kế dựa trên nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền. Theo đó, trách nhiệm của nhà sản xuất đối với sản phẩm của mình sẽ kéo dài đến giai đoạn sau sử dụng nhằm thu gom được ở giai đoạn cuối của vòng đời sản phẩm để có thể phân loại trước khi xử lý mà chủ yếu là tái chế. Dưới góc nhìn tiếp cận là một chính sách bảo vệ môi trường, có nghĩa là mỗi loại rác thải nhựa do bất kì cá nhân, tổ chức hay doanh nghiệp nào trước khi đưa ra môi trường đều phải được xử lý hoặc tái chế, không gây hại cho môi trường sống, tuân thủ nghiêm ngặt quy định an toàn đối với môi trường.

Khi tính cấp thiết trong trách nhiệm của nhà sản xuất với việc giảm rác thải nhựa được nâng lên sẽ tạo ra một cơ chế EPR. Cơ chế này góp phần phát triển ngành xử lý chất thải và tái chế ngay trong chính cơ sở của nhà sản xuất, tạo ra việc làm chất lượng cao, tạo điều kiện cho người lao động làm việc trong lĩnh vực xử lý rác thải, giảm thiểu phụ thuộc vào nguyên liệu thô nhập khẩu. Mỗi thành viên trong công ty hàng tiêu dùng, các cơ sở cung cấp nguyên liệu, các nhà sản xuất… đều phải cùng nhau đạt tới mục tiêu bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, bằng việc chuyển trách nhiệm tài chính xử lý sản phẩm ở cuối vòng đời từ người dân và chính quyền các thành phố sang cho nhà sản xuất, nhà nhập khẩu và cuối cùng là người tiêu dùng. EPR yêu cầu các nhà sản xuất thu gom các sản phẩm, bao bì thải bỏ để tái chế theo tỷ lệ và quy cách bắt buộc. EPR sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp cải tiến thiết kế sản phẩm, bao bì thân thiện với môi trường nhằm làm giảm chi phí tái chế. Nói cách khác, EPR thúc đẩy các doanh nghiệp khép chu trình sản xuất – tái chế hay tạo ra một vòng kinh tế tuần hoàn của các chuỗi giá trị sản phẩm, bao bì, giúp giảm lượng chất thải nói chung và chất thải nhựa nói riêng.

Như vậy, có thể khẳng định trách nhiệm của nhà sản xuất trong giảm rác thải nhựa là rất lớn, mỗi nhà sản xuất là một mặt trận để chiến đấu nhằm giảm rác thải nhựa, “chống rác thải nhựa như chống giặc”. Trách nhiệm ấy được chuyển giao thành chính sách, khung pháp lý, buộc phải tìm ra giải pháp cấp bách ngay tại nơi sản xuất khi rác thải nhựa hiện đang là vấn đề môi trường sống còn trong chiến lược môi trường và phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

Nguyễn Thị Huyền Trang.

Bài viết liên quan