EPR là một nhân tố cần thiết, quan trọng để thúc đẩy và duy trì nền kinh tế tuần hoàn. Khái niệm này được kỳ vọng sẽ giải pháp quan trọng giúp giải quyết hiệu quả vấn đề rác thải nhựa hiện nay. EPR được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới để kiểm soát chất thải thải ra môi trường.
EPR – NGƯỜI GÂY Ô NHIỄM PHẢI TRẢ TIỀN
EPR là tên viết tắt của cụm từ tiếng Anh Extended Producer Responsibility, có nghĩa là Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất. Theo định nghĩa được Chương trình môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) đưa ra trong Công ước quốc tế về kiểm soát việc vận chuyển qua biên giới các chất thải nguy hại và việc tiêu hủy chúng (BASEL), EPR là cách tiếp cận chính sách môi trường mà theo đó, trách nhiệm của nhà sản xuất một loại sản phẩm được mở rộng tới giai đoạn thải bỏ trong vòng đời của sản phẩm đó.
Nói các khác, EPR cho thấy trách nhiệm của nhà sản xuất không chỉ dừng lại ở sản phẩm, mà mở rộng tới cả quản lý chất thải sau tiêu dùng. Các nhà sản xuất thực hiện trách nhiệm thu hồi, phân loại, tái chế chai, hộp, lọ, túi, bao bì đóng gói sau khi sản phẩm bên trong đã được sử dụng hết. Việc quản lý chất thải sau tiêu dùng thuộc về nơi tạo ra chất thải là hoàn toàn hợp lý, thay vì là việc của Chính phủ như trước đây.
EPR sẽ dẫn dắt nhà sản xuất nội hóa chi phí quản lý chất thải vào trong chi phí sản phẩm. Quá trình này sẽ thúc đấy nhà sản xuất tìm cách giảm lượng rác thải ra môi trường, tăng khả năng tái chế và tái sử dụng các bao bì đóng gói. Đặc biệt, với trách nhiệm mở rộng này, nhà sản xuất sẽ thay đổi tư duy về chuỗi sản xuất – tiêu dùng. EPR khuyến khích người sản xuất cân nhắc đến vấn đề môi trường ngay từ khâu thiết kế sản phẩm. Ngoài ra, các công cụ chính sách về EPR gợi mở cho các nhà sản xuất việc quản lý bao bì sản phẩm bằng nhiều loại công cụ, như đặt cọc – hoàn trả bao bì, dán nhãn sản phẩm…
ĐẨY MẠNH XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH VỀ EPR TẠI VIỆT NAM
Ở Việt Nam, mặc dù được quy định từ năm 2005, nhưng đến nay, cơ chế EPR mới được cụ thể hóa bằng các quy định về trách nhiệm thu hồi, tái chế một số loại sản phẩm, bao bì của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu (tại Điều 54 và 55 của Luật Bảo vệ môi trường 2020 – Luật BVMT 2020). Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang tích cực triển khai xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành để đưa các quy định của Luật BVMT 2020 đi vào cuộc sống từ năm 2022.
Theo Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT thực hiện khảo sát với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) về mức độ sẵn sàng thực hiện Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất cho thấy, số doanh nghiệp có nhận thức đầy đủ về trách nhiệm thu gom, tái chế và xử lý chất thải theo quy định tại Điều 54, 55 là 93,55%. Đây chính là điểm thuận lợi khi triển khai áp dụng Điều 54, 55 của Luật BVMT đối với đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đại đa số các doanh nghiệp được khảo sát cho rằng trách nhiệm BVMT trong hoạt động sản xuất giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và tạo dựng hình ảnh thân thiện hơn với khách hàng. Nói cách khác, việc thực hiện EPR được nhìn nhận như một hình thức để doanh nghiệp thể hiện nghĩa vụ và trách nhiệm xã hội tích cực của mình.
Đồng hành cùng quá trình xây dựng cơ chế EPR, Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” đã góp phần tích cực thông qua các chương trình đối thoại, tham vấn chính sách để góp ý cho việc xây dựng nội dung về EPR trong Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT. Trong Quý 2 năm 2022, Dự án tiếp tục thể hiện vai trò tích cực, tiên phong trong quá trình tham vấn, thu thập và chia sẻ thông tin hỗ trợ xây dựng chính sách triển khai thực hiện EPR tại Việt Nam. Trong Quý 3/2022, Dự án tiếp tục hỗ trợ tư vấn và hợp tác cùng Vụ Pháp chế (Bộ TN&MT) triển khai gói nghiên cứu về điều tra, khảo sát và đề xuất định mức chi phí tái chế (Fs) đối với các sản phẩm chứa nhựa và bao bì nhựa theo quy định của Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Hoạt động nghiên cứu này được kỳ vọng sẽ cung cấp các cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm giúp cơ quan nhà nước trong triển khai thực hiện EPR một cách hiệu quả tại Việt Nam trong thời gian tới.