GIẢI QUYẾT Ô NHIỄM NHỰA ĐẠI DƯƠNG TẠI CHÂU Á

01/01/2021

(Nguồn: WWF-Viet Nam.net)

Báo cáo Tổng kết Hội thảo – Giải quyết Ô nhiễm Nhựa Đại dương – Các Thành tố Tiềm năng cho một Thỏa thuận Toàn cầu.

Với tình trạng chất thải nhựa phát thải vào các đại dương trên thế giới đang ở mức báo động, một khung hành động toàn cầu nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng về nhựa đại dương đang nhanh chóng nhận được sự ủng hộ. 
Rác thải nhựa và hạt vi nhựa được ghi nhận xuất hiện ở mọi nơi trong môi trường biển của Trái đất, kể cả dưới tầng sâu của Rãnh Mariana . Đặc biệt, rác nhựa trên biển có thể di chuyển và tản mạn xuyên biên giới. Các đại dương trên thế giới hàng năm phải tiếp nhận hơn chín triệu tấn rác nhựa; điều này đe dọa môi trường sống và sự sinh tồn của các loài động vật hoang dã – với hơn 270 loài được ghi nhận có thể đã bị tổn thương bởi các ngư cụ bị vứt bỏ và các loại nhựa thải bỏ gây ra. Ngoài ra, 240 loài đã được ghi nhận có cá thể nuốt phải nhựa . Đây là vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe của hệ sinh thái biển và của loài người.
Vấn đề ô nhiễm nhựa và rác thải nhựa đại dương có liên quan đặc biệt đối với hầu hết chính phủ các quốc gia Đông Nam Á, do khu vực này là nơi gánh chịu phần lớn hệ quả từ sự quá tải và không hiệu quả của hệ thống tái chế toàn cầu. Ô nhiễm nhựa gây ra những tác động kinh tế tiêu cực đối với các ngành công nghiệp của khu vực, ước tính chạm mức 1,3 tỷ USD mỗi năm.
Mặc dù hầu hết chính phủ các quốc gia châu Á đã tuyên bố hoặc đang trong quá trình thiết lập các biện pháp mang tính pháp lý ở cấp quốc gia, các biện pháp này đều bị hạn chế trong khả năng giải quyết thách thức rộng lớn mang tính xuyên biên giới của ô nhiễm nhựa đại dương do thiếu sự phối hợp hiệu quả giữa các quốc gia với nhau.
Báo cáo kết quả đánh giá của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) vào tháng 11 năm 2019 nhấn mạnh sự hạn chế trong các chính sách liên quan đến bao bì, đồng thời những yếu kém trong việc thực thi các chính sách này cũng là những yếu tố khiến vấn đề ô nhiễm nhựa trở nên trầm trọng hơn. Từ đó, báo cáo đưa ra khuyến nghị các chính sách cần được nhất quán và thực thi xuyên suốt khu vực Đông Nam Á (ASEAN) để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa đại dương.
Ô nhiễm nhựa là một vấn đề toàn cầu, xuyên biên giới và liên ngành, đòi hỏi phải có hành động phối hợp, trách nhiệm chung và một phương pháp tiếp cận tổng hợp.
Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA) đã tổ chức bốn phiên họp liên tiếp thông qua các nghị quyết công nhận sự cần thiết phải ngăn chặn thải bỏ rác nhựa và hạt vi nhựa ra đại dương. Báo cáo tại các phiên họp đã cho thấy pháp luật quốc tế và khuôn khổ chính sách còn nhiều lỗ hổng, và do vậy chưa đầy đủ để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa đại dương. Các quốc gia thành viên đã bắt đầu nghiên cứu một số chính sách ứng phó cũng như giải pháp nhằm tăng cường cơ cấu quản trị toàn cầu, bao gồm khả năng về một thỏa thuận toàn cầu mới.

Bài viết liên quan