Nhiều hoạt động thiết thực diễn ra tại đảo ngọc Phú Quốc với mong muốn nâng cao nhận thức cho khách du lịch và người dân bảo vệ môi trường, từng bước thực thi quy định về quản lý chất thải, hạn chế rác nhựa tối đa.
Song song với tốc độ phát triển nhanh về kinh tế và cơ sở hạn tầng, Phú Quốc đang phải đối mặt với những thách thức về mặt môi trường. Nhận thức được tầm quan trọng về môi trường và sinh thái đối với sự phát triển kinh tế Phú Quốc, công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm thiểu rác thải nhựa được các cơ quan có thẩm quyền cũng như các tổ chức và người dân quan tâm cao và ưu tiên thực hiện.
Kế thừa các kết quả từ Dự án “Phú Quốc – Hướng tới hòn đảo không rác thải nhựa” do WWF- Việt Nam triển khai trong giai đoạn 2018-2020, thành phố Phú Quốc có nhiều thuận lợi trong việc tiếp nhận và triển khai sớm Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” trong giai đoạn 2020 – 2024.
Hiện trạng quản lý rác thải nhựa (RTN) ở Phú Quốc
Ước tính tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại Phú Quốc năm 2020 là 51.683 tấn, trong đó có 8.786 tấn RTN, chiếm 17% (WWF-Việt Nam, 2021). Theo đó, trung bình mỗi người dân Phú Quốc phát thải 60kg RTN mỗi năm.
Các nguồn phát sinh RTN chính theo thứ tự từ cao đến thấp là: (1) Hộ gia đình (52,7%), (2) Khách sạn (29%), (3) Chợ dân sinh và chợ thương mại (8,6%), (4) Nhà hàng (2,9%), (5) Cảng cá (1,1%) và (6) Các nguồn khác (5,9%).
Như vậy, mức tham chiếu cơ sở về lượng RTN bị thất thoát ra môi trường Phú Quốc là 7.731 tấn, bao gồm 1.036 tấn bị thất thoát trực tiếp theo dòng quản lý từ nguồn phát sinh và hệ thống thu gom, và 6,295 tấn được lưu giữ hàng năm ở bãi rác lộ thiên.
Kế hoạch hành động với sự chung tay của các cấp, các ngành, bà con Phú Quốc cùng dự án Giảm rác nhựa ra Đại dương Việt Nam
Kết quả sau 3 năm triển khai dự án, Phú Quốc đã cải thiện đáng kể “điểm nóng” về ô nhiễm RTN như: Đã ngăn chặn lượng RTN phát tán ra biển từ sông Dương Đông bằng biện pháp lắp đặt phao vây chắn rác để thu gom rác thải trôi nổi trên sông Dương Đông và khu vực Dinh Cậu – Công viên Bạch Đằng. Khối lượng trung bình mỗi ngày thu gom được khoảng 1 – 2 tấn rác. Đặc biệt, Dự án kết hợp Thành đoàn thành phố xóa các “điểm đen” ô nhiễm rác thải và xây dựng Trạm tập kết xanh trên địa bàn thành phố Phú Quốc. Từ cuối năm 2021 đến nay, Thành đoàn đã tổ chức hoạt động vệ sinh xóa 2 “điểm đen” ô nhiễm rác thải tại phường Dương Đông và phường An Thới với tổng khối lượng rác thải thu được là 18 tấn, trong đó có 800kg rác thải nhựa và tiếp tục nhân rộng mô hình này ở 2 xã Hàm Ninh và Dương Tơ.
Đã vận động 2.000 tàu cá và tàu du lịch mang rác về bờ. Bên cạnh đó, Vườn Quốc gia Phú Quốc còn tổ chức hoạt động thu gom rác thải dưới nước ở cả 3 Khu bảo tồn biển và thực hiện 9 đợt giám sát tại các Khu bảo tồn biển và thu gom rác thải nhựa… Những kết quả đạt được từ khi tham gia chương trình Đô thị Giảm nhựa là nguồn động viên to lớn để chính quyền, người dân của thành phố Phú Quốc tiếp tục hành trình tìm lại màu xanh lam cho thành phố du lịch biển.
Việc lắp đặt sáu camera giám sát thí điểm ở khu vực gần chợ, sân bay cũ và dọc bờ sông Dương Đông, góp phần nâng cao ý thức người dân, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định.
Đồng thời, Hội liên hiệp Phụ nữ thành phố đã phối hợp với Dự án tổ chức hội thảo tổng kết 2 năm triển khai mô hình truyền thông bằng phương pháp giáo dục hành động. Sau 2 năm triển khai, có 1.371 hộ dân đăng ký thực hành phân loại rác tại nguồn và giảm thiểu rác thải nhựa thông qua chương trình truyền thông bằng phương pháp giáo dục hành động, đã có tới 95% số hộ gia đình đăng ký và thực hiện phân loại rác tại hộ gia đình. Việc giảm sử dụng nhựa dùng 1 lần (ND1L) đạt hơn 50% đối với các hộ gia đình, và hơn 60% các hộ kinh doanh việc giảm hoặc không sử dụng ống hút ND1L.
Ngoài các hoạt động, chính sách thực tế, Dự án còn triển khai các chiến lược truyền thông:
Cùng với các hỗ trợ về kỹ thuật, Dự án đang triển khai một chiến dịch truyền thông quốc gia hướng đến tuyên truyền và khuyến khích thực hành giảm rác nhựa dành cho khách du lịch và ngành dịch vụ du lịch, trong đó ưu tiên lồng ghép các thông điệp riêng của Phú Quốc. Chiến dịch này dự kiến triển khai từ tháng 9 đến tháng 11 năm 2023.
Nhằm kêu gọi các doanh nghiệp dịch vụ du lịch và lữ hành tham gia vào việc giảm thiểu rác thải nhựa, Phòng Văn hóa và Thông tin, Ủy ban nhân dân thành phố Phú Quốc phối hợp với Dự án tổ chức Hội thảo về giảm thiểu rác thải nhựa và du lịch bền vững tại Phú Quốc vào ngày 18-19/10/2023. Hội thảo đã cung cấp cho 55 đại biểu tham dự từ 24 đơn vị lữ hành và dịch vụ du lịch cơ hội tìm hiểu về tình trạng ô nhiễm nhựa tại Phú Quốc và cách doanh nghiệp du lịch có thể giúp giải quyết vấn đề này. Các doanh nghiệp cũng chia sẻ ví dụ thành công về giảm thiểu rác thải nhựa, tạo tác động tích cực đến kinh doanh và môi trường. Tại hội thảo, doanh nghiệp được khuyến khích phân loại rác tại nguồn, giảm sử dụng sản phẩm nhựa một lần và quản lý rác nhựa hiệu quả với mục tiêu là chung tay cải thiện môi trường và xây dựng Phú Quốc trở thành điểm đến xanh và bền vững.
Đồng hành cùng TP Phú Quốc trong chương trình giảm thải rác thải nhựa, bà Nguyễn Thị Mỹ Quỳnh – Quản lý Dự án cho biết: Trong thời gian qua, chính quyền địa phương cũng như các tổ chức, đoàn thể… đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp thiết thực và toàn diện nhằm đẩy mạnh công tác thu gom và xóa các điểm đen về ô nhiễm rác thải, tuyên truyền nâng cao nhận thức và khuyến khích phân loại rác, tăng cường thu gom và giảm thiểu rác thải nhựa đại dương; cung cấp các trạm tập kết xanh tại khu vực công cộng để người dân bỏ rác đúng nơi quy định.
“Chúng tôi tin tưởng rằng, nỗ lực trong việc giảm thiểu ô nhiễm rác thải trên sông thông qua mô hình sân nổi thu gom rác và hệ thống giám sát, xử phạt bằng camera sẽ là hoạt động đóng góp lớn để thay đổi hành vi của ngư dân, người dân địa phương trong việc có ý thức chủ động bỏ rác đúng nơi quy định” – bà Mỹ Quỳnh chia sẻ.