Cù Lao Chàm thuộc xã Tân Hiệp, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam là nơi hội tụ tiềm năng thiên nhiên phong phú và đa dạng với 8 hòn đảo, gồm: Hòn Lao, Hòn Lá, Hòn Tai, Hòn Khô mẹ, Hòn Khô con, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Ông, trong đó, Hòn Lao là hòn đảo lớn nhất và duy nhất có dân cư sinh sống với tổng dân số khoảng 3.000 người, thu nhập của người dân chủ yếu là từ nguồn lợi biển (chiếm 75%). Từ tháng 10/2003, vùng biển trù phú của hòn đảo chính thức trở thành Khu bảo tồn biển; đến tháng 5/2009, Cù Lao Chàm được Ủy ban điều phối quốc tế Chương trình con người và sinh quyển công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Vì vậy, Cù Lao Chàm rất tích cực trong công tác bảo vệ môi trường, gìn giữ cảnh quan tự nhiên; đặc biệt đây là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước phát động và duy trì thành công các phong trào nói không với túi nilon và nói không với ống hút nhựa.
Tham gia Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam”, chính quyền địa phương hướng đến các giải pháp tái chế và tuần hoàn rác thải nhằm mục tiêu xây dựng Cù Lao Chàm trở thành “Hòn đảo không rác thải”. Trong khuôn khổ Dự án, chính quyền địa phương đã triển khai một số hoạt động tiêu biểu:
Thành lập “Nhóm hành động vì môi trường biển Cù Lao Chàm” với mục tiêu xây dựng nhóm nòng cốt trong cộng đồng cùng hành động để giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.
Tổ chức 12 buổi truyền thông về rác thải nhựa cho 3 cộng đồng dân cư tại Cù Lao Chàm và 9 xã, phường ven biển của thành phố Hội An nhằm tăng cường nhận thức của người dân địa phương về thực trạng và ảnh hưởng của ô nhiễm rác thải nhựa, từ đó kêu gọi người dân chung tay hành động giảm thiểu rác nhựa.
Tổ chức hội thi tìm hiểu về rác thải nhựa và đa dạng sinh học tại Cù Lao Chàm nhằm tạo sân chơi bổ ích cho cộng đồng có cơ hội giao lưu, học hỏi, thể hiện sự hiểu biết về rác thải nhựa, môi trường, đa dạng sinh học, các kiến thức về xã hội từ đó làm thay đổi dần từ nhận thức đến hành động cụ thể, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ các giá trị đa dạng sinh học rừng và biển của Cù Lao Chàm.
Vận động các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, cộng đồng ngư dân, trường học và các biên liên quan thực hành giảm nhựa
Thí điểm mô hình Cơ sở phục hồi tài nguyên (Material Recovery Facility – MRF) là mô hình thí điểm hoạt động phân loại và thu hồi tái chế chất thải rắn sinh hoạt dựa vào cộng đồng.
Truyền thông về du lịch giảm nhựa thông qua các video clip về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và tổ chức Tour thí điểm Du lịch xanh (Zero waste).
Giám sát rác thải nhựa bãi biển và rạn san hô nhằm thu thập những dữ liệu tổng thể về hiện trạng rạn san hô, môi trường sống của các loài thủy sinh, sự tác động của rác thải nhựa, của sinh kế ảnh hưởng tới hệ sinh thái dưới nước, từ đó có những phân tích và đánh giá tổng thể, làm cơ sở đề xuất các biện pháp quản lý đa dạng sinh học./.