Phối hợp triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương

24/03/2024

Ngày 16 tháng 8 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1407/QĐ-TTG về việc phê duyệt đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng thoả thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương trong đó giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương; xây dựng Báo cáo quốc gia về rác thải nhựa đại dương làm cơ sở xây dựng lập trường của ta trong đàm phán Thỏa thuận.

Thực hiện Quyết định được giao, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, đơn vị được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao chủ trì tham mưu thực hiện Đề án đã phối hợp với Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương triển khai các hoạt động tham vấn lấy ý kiến và đã nhận được rất nhiều đóng góp tích cực của các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học.

Ngày 28/04/2022, Dự án đã phối hợp với Cục Biển và Hải đảo Việt Nam tổ chức cuộc Họp kỹ thuật tóm tắt tiến trình thông qua Nghị quyết và cập nhật dự thảo Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1407/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, để tiếp tục triển khai các hoạt động của Đề án phù hợp với nội dung Nghị quyết về “Chấm dứt ô nhiễm nhựa: hướng tới một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế” vào năm 2024 được Đại hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA-5) thông qua vào ngày 02/3/2022 và tiến trình đàm phán quốc tế.

Ngày 11/10/2022, hai bên đã phối hợp tổ chức Cuộc họp “Tham vấn các bên liên quan và doanh nghiệp đối với Công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa” nhằm tham vấn với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức có liên quan, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực nhựa về Công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả trong môi trường biển theo yêu cầu của Nghị quyết số 5/14 nhằm chuẩn bị cho sự tham gia của Việt Nam tại Phiên họp đầu tiên của Ủy ban đàm phán Liên chính phủ (INC) và tiếp tục triển khai các hoạt động thực hiện Quyết định 1407/QĐ-TTg phù hợp với nội dung Nghị quyết và tiến trình đàm phán của INC.

Ngay sau khi kết thúc phiên họp đầu tiên INC-1 tại Uruguay, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam phối hợp với Dự án tổ chức cuộc Họp kỹ thuật “Tăng cường chia sẻ thông tin, thiết lập cơ sở dữ liệu trong nước và quốc tế về rác thải nhựa đại dương, hỗ trợ Việt Nam tham gia đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa” vào ngày 14/12/2022 tại Hà Nội. Những thông tin mới nhất tóm tắt kết quả của Phiên họp đầu tiên của Ủy ban đàm phán liên Chính phủ (INC-1) để xây dựng Công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế về ô nhiễm nhựa, bao gồm nhựa trong môi trường biển, đã được chia sẻ tại cuộc họp kỹ thuật này. Bên cạnh đó, Báo cáo mới nhất của WWF “Hướng tới Hiệp ước Chấm dứt ô nhiễm nhựa toàn cầu – Quy tắc toàn cầu nhằm giải quyết vấn đề toàn cầu” cũng được cập nhật thông tin đến các đại biểu tham dự.

Trong năm 2023, Dự án tiếp tục hỗ trợ Thúc đẩy truyền thông cho phiên đàm phán thứ 2 và thứ 3 của Ủy ban đàm phán Liên chính phủ Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa. Từ ngày 15/5 đến 3/6, Dự án đã phối hợp với WWF Quốc tế và các quốc gia khác đồng loạt lan tỏa các thông điệp truyền thông mạnh mẽ từ các phiên đàm phán thứ hai và thứ ba của Uỷ ban đàm phán Liên chính phủ Thoả thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.

Vào tháng 9 năm 2023, Ban Thư ký Hội nghị ban hành Dự thảo số “0” cho Thỏa thuận dựa trên các quan điểm được thảo luận trong phiên thứ nhất và thứ hai. Dự thảo số “0” cùng với các kiến nghị của các quốc gia và tổ chức trong bản Đệ trình gửi Ban Thư ký cho các vấn đề chưa được thảo luận tại INC-2 được xem xét và sẽ được đưa ra thảo luận tại phiên họp thứ Ba, tiến tới từng bước hoàn thiện và phê duyệt Thỏa thuận trong năm 2024.

Để chuẩn bị cho sự tham gia của Việt Nam tại Phiên đàm phán thứ 3, Dự án đã tham gia hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo tham vấn dự thảo đầu tiên Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa trong hai ngày 26 và 27 tháng 10 năm 2023 tại Thành phố Đà Nẵng với sự tham dự của hơn 50 đại biểu là thành viên Ban Công tác đàm phán, các Bộ, ngành, tổ chức quốc tế và các tổ chức, doanh nghiệp. Hội thảo đã giới thiệu, thảo luận và đóng góp các ý kiến, khuyết nghị quan trọng đối với dự thảo số 0 của Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa do Chương trình môi trường Liên Hợp Quốc.

Bài viết liên quan