Câu chuyện tại Phú Quốc: Nha Đam thân thiện môi trường

21/10/2022

Chắc hẳn mọi người không quá xa lạ với thuật ngữ sản phẩm thân thiện môi trường như thùng rác thân thiện môi trường, túi vải thân thiện môi trường, xà phòng thân thiện môi trường v.v… Câu chuyện tôi muốn kể sau đây là về vườn Nha Đam thân thiện môi trường với tên gọi thân quen Nha Đam Đậm Trần.

Tôi ghé thăm vườn nha đam của chị Trầm Thị Đậm vào một ngày nắng kiếm hỏi trong tháng 8 của Phú Quốc. Chị Trần Thị Đậm tham gia chi hội phụ nữ là thành viên năng động của hội phụ nữ ấp Suối Cát, xã Cửa Dương. Vừa trò chuyện, chị Đậm vừa dẫn tôi đi thăm quanh vườn Nha Đam với gần 500 gốc nha đam lớn nhỏ. Chị Đậm bén duyên với nha đam một cách rất tình cờ, chị kể khi đang đi thăm người quen ở Ninh Thuận chị thấy mô hình nha đam rất dễ trồng và mang lại nguồn thu nhập ổn định. Khi về lại Phú Quốc chị bắt tay vào việc trồng và chăm sóc nha đam, ban đầu chỉ trồng giải trí vài gốc trong nhà, sau đó vườn nha đam chị trồng ngày càng phát triển nhiều hơn và từ đó thu thập gia đình ngày càng cải thiện từ việc sản xuất thạch nha đam trên thị trường.

Chị Trần Thị Đậm và câu chuyện vườn Nha Đam thân thiện với môi trường

Ngoài việc nghiên cứu học tập để làm tăng sản lượng nha đam, chị Đậm và gia đình cũng rất quan tâm nghiên cứu làm sau để tận dụng những vật dụng từ nhựa để làm chậu trồng nha đam. Trước khi tham gia vào cuộc họp dân tại ấp Suối Cát về hướng dân cách phân loại rác và giảm nhựa thông qua phương pháp 3T (Tiết giảm-Tái sử dụng-Tái chế), chị Đậm chủ yếu dùng các chậu sành gốm để trồng nha đam, cách làm này vừa tốn chi phí đầu tư để mua chậu, việc vận chuyển các chậu khá nặng và tốn công sức và hiệu quả trồng trọt cũng không cao. Sau cuộc họp, chị Đậm chọn đăng ký ngay cải tiến số 15 “Tận dụng, tái chế các loại bao bì, thùng, hộp, lưới cũ dùng vào việc khác”. Về nhà, chị Đậm cùng với gia đình bắt tay ngay vào việc tận dụng các thùng nước nhựa đã qua sử dụng, cắt bỏ phần trên của thùng, khoét lỗ thoát nước, cho đất vào để trồng nha đam. Chị cho biết “đôi khi hết thùng nước, chị phải tìm mua thêm các thùng xốp thải ra từ các hàng bán rau quả, trái cây và các thùng nhựa khác để làm chậu trồng nha đam”. Dần dần hơn 50% chậu trồng nha đam của nhà chị Đậm được thay thế các thùng nước nhựa, thùng xốp các loại đã qua sử dụng. Chị cười và kể với tôi “tận dụng thùng nhựa, thùng xốp thế này hay lắm em ạ! chị vừa giảm chi phí đầu tư mua chậu, công việc nhẹ nhàng hơn vì không phải bưng bê nặng mỗi khi sang chậu hoặc chiếc cây nha đam con, điều quan trọng nhất là vừa tái sử dụng rác nhựa thành những vật dụng hữu ích, giảm tải lượng rác nhựa thải ra môi trường”.

Bên cạnh việc tái sử dụng các thùng nước nhựa, thùng xốp trồng nha đam, chị Đậm cũng đang ký và thực hiện các cải tiến khác như phân loại rác thải tại hộ gia đình như rác nhà bếp nuôi gia súc gia cầm, túi nilong giặt sạch tái sử dụng, rác tái chế bán ve chai (đồng nát), làm hộp đựng pin cũ và khuyến khích nhắc nhở người thân bỏ pin cũ vào hộp để thu gom riêng, không để lẩn với các rác thải thông thường khác, bản thân chị thường xuyên sử dụng túi vải và túi lưới dùng nhiều lần mỗi khi đi chợ, chị cũng trang bị mang cà men, bình nước cá nhân để dùng khi đi mua đồ ăn thức uống bên ngoài.

Chị Đậm tươi cười bảo với tôi rằng “chị đang nghiên cứu để ủ phân hữu cơ để bón cho cây nha đam, lần sau em có dịp đến thăm thì chị khoe thành phẩm ủ phân hữu cơ nhé”.

Trước khi rời khỏi nhà chị Đậm, tôi đứng nhìn mãi vườn nha đam xanh rì được xếp thẳng hàng trong các thùng xốp trắng tái sử dụng, thiết nghĩ Phú Quốc có nhiều hộ thực hiện việc tiết giảm, tái chế, tái sử dụng đối với sản phẩm nhựa dùng một lần thì việc đạt mục tiêu Phú Quốc – Hướng tới thành phố đảo không rác thải nhựa sẽ không xa.

Trong khuôn khổ dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa tại Việt Nam”, WWF đã và đang phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Phú Quốc thực hiện mô hình truyền thông nâng cao nhận thức, vận động thực hành phân loại rác tại nguồn và giảm nhựa cho các hội viên hội phụ nữ cấp cơ sở, để xây dựng Phú Quốc-Hướng tới thành phố đảo không rác thải nhựa. Hiện nay mô hình này đã lan toả đến gần 500 hộ dân trên 8 xã/phường của thành phố Phú Quốc trong năm 2022.

Bài viết liên quan