Dừng tiện đâu vứt đấy” vỏ bao thuốc BVTV tại những cánh đồng ở TP. Hà Tĩnh

Nhiều năm nay, việc xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đã qua sử dụng được nông dân Thành phố Hà Tĩnh luôn được quan tâm chú trọng nhằm hạn chế tình trạng vứt rác bừa bãi ảnh hưởng tới môi trường.

Hoạt động sản xuất nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế Hà Tĩnh. Tuy nhiên trong một thời gian dài, sản xuất nông nghiệp vùng đất biển Hà Tĩnh chạy theo hướng tăng số lượng sản phẩm theo cách sử dụng nhiều phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật dẫn tới tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm, đặc biệt là ảnh hưởng do việc thải bỏ không kiểm soát bao bì thuốc BVTV sau sử dụng.

 

Dễ dàng bắt gặp tại TP Hà Tĩnh từ kênh mương nội đồng, bên bờ cỏ, đường ra ruộng, tình trạng vỏ bao đựng thuốc BVTV sau khi được sử dụng bị vứt bừa bãi, lẫn với các loại rác thải khác. Những rác thải đó chỉ cần một trận mưa sẽ trôi theo các dòng kênh rồi hòa vào nguồn nước. Vậy nhưng, không ít người vẫn xem vỏ bao thuốc BVTV như một loại rác thải thông thường mà chưa nghĩ đến hậu quả độc hại mà nó gây ra với môi trường và sức khỏe con người. 

Xuất phát từ hiện trạng này, Phòng TNMT thành phố, Hội Nông dân và Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” (sau đây gọi tắt là Dự án) đã phối hợp thực hiện Mô hình thu gom, xử lý bao bì thuốc Bảo vệ thực vật. Sau khi tiếp nhận cơ sở vật chất và các dụng cụ bảo hộ, Hội Nông dân tại các 08 xã phường đã xây dựng tổ thu gom rác và bảo vệ môi trường với mục tiêu : vận động nông dân tại địa bàn thu gom rác vào các bể nhỏ – chứa bao bì thuốc BVTV sau sử dụng đã lắp đặt tại đồng ruộng; tổ có nhiệm vụ gom toàn bộ lượng rác tại các bể nhỏ sau mỗi mùa vụ về bể tập trung và liên lạc với Phòng TNMT thành phố để thu gom và xử lý đúng quy định đối với toàn bộ lượng rác này. 

Thành phố kỳ vọng khi hoàn thành dự án sẽ thực hiện thu gom triệt để bao bì thuốc BVTV trên toàn thành phối với khối lượng 01 tấn/năm. Toàn bộ lượng rác thải nguy hại này sẽ được xử lý bằng phương pháp phù hợp bởi đơn vị có chức năng trên địa bàn tỉnh bằng nguồn vốn ngân sách của thành phố. 

Đến tháng 5/2023, Dự án đã hỗ trợ xây dựng 07 bể tập trung với thể tích từ 6-12m3 để gom bao bì thuốc BVTV trước khi vận chuyển đi xử lý. 

Theo báo cáo của Hội Nông dân, trong Quý 1 năm 2023, số lượng thu gom đạt 525 kg ở 8 xã tham được hỗ trợ xây dựng các bể chứa bao bì thuốc BVTV.

Trong thời gian tới, Dự án tiếp tục làm việc với Phòng TN&MT thành phố Hà Tĩnh để thúc đẩy quản lý, thu gom và xử lý toàn bộ lượng rác này theo đúng quy định. Những bước chuyển mình trong công tác truyền thông cho thấy sự định hướng kịp thời theo xu hướng phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường tại Thành phố Hà Tĩnh. Các địa phương cần nhanh chóng cụ thể hóa quy hoạch để đưa sản xuất nông nghiệp đi đúng với xu hướng chung hiện nay.

Bài viết liên quan