Với đặc thù nằm giữa biển, Côn Đảo chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ rác nhựa đại dương, nhất là ở các khu rừng ngập mặn, các rạn san hô và các bãi đá. Lượng khách du lịch tăng nhanh chóng nên các bãi rác của huyện rơi vào tình trạng quá tải. Theo thống kê, chỉ tính riêng lượng rác thải nhựa từ hoạt động du lịch tại Côn Đảo đã lên đến 221,4 tấn/năm với tỉ lệ rác thải nhựa phát sinh tại các cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch chiếm 33,3% so với tổng lượng phát sinh toàn huyện.
Chính vì vậy, chiến dịch “Côn Đảo – Điểm đến giảm nhựa” được thực hiện với nguồn tài trợ từ Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” do WWF-Việt Nam phối hợp triển khai cùng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), nhằm tập trung nâng cao nhận thức của khách du lịch để mỗi du khách trở nên có trách nhiệm hơn khi đến thăm Côn Đảo. Để đạt được mục tiêu trên đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và du khách trong việc giảm tiêu thụ nhựa sử dụng một lần, xử lý lượng rác thải tồn đọng trong môi trường, tăng cường quản lý chất thải rắn sinh hoạt và tập trung xử lý chất thải nhựa. Theo cam kết với WWF-Việt Nam, UBND huyện Côn Đảo phấn đấu để trở thành điểm đến giảm nhựa, với mục tiêu giảm 30% lượng rác thải nhựa thất thoát ra ngoài môi trường vào năm 2025, ghi tên mình trở thành địa phương thứ 9 tại Việt Nam tham gia vào chương trình Đô thị giảm nhựa toàn cầu của WWF.
“ĐẾN KHÔNG MANG THEO NHỰA, ĐI ĐỂ LẠI YÊU THƯƠNG”
Nằm trong chuỗi hoạt động giảm rác thải nhựa trong du lịch tại Côn Đảo với thông điệp “Đến không mang theo nhựa, đi để lại yêu thương”, từ ngày 01/8/2022, Ban quản lý Khu du lịch quốc gia Côn Đảo đã phối hợp với WWF-Việt Nam dán poster và phát Sổ tay “Giảm nhựa khi du lịch ở Côn Đảo” đến các cơ sở kinh doanh dịch vụ lữ hành, khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng, cơ sở lưu trú, nhà hàng, quán ăn… Các cơ sở này cũng hưởng ứng Tuần lễ bằng những hành động thiết thực như nói không với ống hút nhựa, giảm sử dụng túi ni lông, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường… và thực hiện cam kết giảm thiểu chất thải nhựa, hạn chế sử dụng đồ nhựa một lần hoặc thay thế bằng các sản phẩm thân thiện môi trường; không cung cấp miễn phí túi ni lông cho khách hoặc chuyển từ sử dụng dụng túi ni lông khó phân huỷ sang các loại túi thân thiện với môi trường.
Côn Đảo Resort (đường Nguyễn Đức Thuận, Khu dân cư số 5)
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng triển khai thực hiện 4 nội dung chính gồm: vận động hành khách không mang rác thải nhựa đến Côn Đảo trên các phương tiện vận tải; phát động tuần lễ không mang rác thải nhựa ra các đảo nhỏ, cùng với các hoạt động tọa đàm, thí điểm các tổ thu gom, phân loại, xử lý…; chương trình “Đổi rác lấy quà”, tích điểm khi phân loại rác tại nguồn trên ứng dụng điện thoại; tọa đàm về ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong quản lý, giảm thiểu rác thải nhựa…
Theo ông Trần Văn Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhận định, Côn Đảo cần phải đạt được các mục tiêu bảo vệ môi trường là trên hết, xử lý rác thải, tuần hoàn nước, sử dụng năng lượng tái tạo, du lịch xanh và bảo tồn đa dạng sinh học…. Việc triển khai ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn là yêu cầu tất yếu để Côn Đảo phát triển bền vững, trở thành huyện đảo tiên phong và hình mẫu điển hình trong áp dụng kinh tế tuần hoàn trong tỉnh và cả nước.
CUỘC THI NHẶT RÁC XUYÊN RỪNG
Hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2022 với chủ đề “Hồi sinh cùng hành động vì đại dương”; “Phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển”; Sixsenses Côn Đảo phối hợp với BQL Vườn Quốc Gia Côn Đảo, Dự án và Huyện Đoàn Côn Đảo tổ chức chương trình “Cuộc thi nhặt rác xuyên rừng” (Plogging) tại Hòn Bà, huyện Côn Đảo.
Tham gia cuộc thi đi bộ nhặt rác tại Hòn Bà lần này có gần 100 tình nguyện viên được chia thành 15 đội, mỗi đội 5 người phối hợp cùng nhau để có thể nhặt được nhiều rác nhất và giành những phần thưởng hấp dẫn từ Ban tổ chức. Để hạn chế việc phát sinh rác thải nhựa, các tình nguyện viên được yêu cầu tự mang theo bình nước cá nhân, túi vải, hộp đựng đồ ăn cá nhân và không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần. Đây là lần đầu tiên cuộc thi nhặt rác xuyên rừng được tổ chức tại huyện Côn Đảo nên đã thu hút được rất nhiều tình nguyện viên tham gia.
Ảnh: Cổng thông tin Điện tử UBND huyện Bà Rịa – Vũng Tàu
Nhiều loại rác thải như: lưới vụn, thùng xốp, thùng nhựa, các loại chai, lọ, giày dép, túi nilon… được thu gom, phân loại và mang đến điểm tập trung để xử lý. Sau 3 tiếng tích cực, hăng hái, các đội thi đã thu gom, xử lý được 120m3 rác thải, với khoảng 7,2 tấn, mang đến sự thay đổi rõ rệt về môi trường, trả lại sự thông thoáng cho bãi biển. Với các tình nguyện viên, tham gia cuộc thi nhặt rác lần này là một trải nghiệm rất thú vị vừa rèn luyện sức khỏe vừa nâng cao ý thức bảo vệ môi trường đến với mọi người.
Kết thúc chương trình, Ban tổ chức đã tặng cho tất cả các tình nguyện viên những chiếc huy chương hoàn thành chương trình được làm từ những vật liệu tái chế và trao phần thưởng cho các đội thi. Cuộc thi đi bộ nhặt rác không chỉ góp phần mang lại sự sạch đẹp cho môi trường biển mà còn có ý nghĩa nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, góp phần chung tay giữ gìn môi trường biển Côn Đảo ngày càng xanh, sạch, đẹp, để Côn Đảo thực sự là “Điểm đến giảm nhựa”.