Hỗ trợ xây dựng bể thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật
Theo số liệu ước tính từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kiên Giang, trung bình mỗi 01ha sản xuất lúa sẽ phát thải 1.5kg rác thải nhựa từ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng, như vậy với hơn 10,000 ha đất sản xuất lúa (tính 2 vụ) trên địa bàn thành phố Rạch Giá thì lượng bao bì ước tính khoảng 15 tấn/năm.
Tuy có quy định về việc thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng, tuy nhiên do ngân sách nhà nước còn nhiều hạn chế, nên việc triển khai xây bể thu gom, cũng như công tác tuyên truyền chưa được đảm bảo, vì vậy đang gây thất thoát lượng bao bì thuốc bảo vệ thực vật ra môi trường.
Nhằm giảm thiểu lượng rác thải nhựa từ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng, cũng như hạn chế việc xử lý sai quy định các loại bao bì này, Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương” đã hỗ trợ xây dựng 48 bể thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn thành phố, đồng thời đã triển khai 12 lớp truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người dân cũng như trang bị dụng cụ thu gom cho Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kiên Giang.
Giảm phát thải rác thải nhựa trong ngành khai thác thuỷ sản
Là một trong những tỉnh có đội tàu khai thác thuỷ sản lớn nhất cả nước, trong đó lượng tàu khai thác xa bờ từ 15m trở lên của thành phố Rạch Giá chiếm hơn 40% lượng tàu của cả tỉnh. Với số 1,400 con tàu trên 15m khai thác xa bờ của thành phố và hơn 3,500 tàu của toàn tỉnh đang gây rủi ro lớn về thất thoát rác thải nhựa trực tiếp ra đại dương.
Trong khuôn khổ Dự án đã và đang làm việc với nhiều bên liên quan gồm Chi cục Thuỷ sản, Ban quản lý cảng cá Kiên Giang, phòng Kinh tế thành phố Rạch Giá triển khai 8 lớp truyền thông, trang bị 8 thùng rác công cộng loại 660 lít, 4 ngôi nhà xanh thu gom rác tái chế, 300 túi lưới đựng rác và 04 pano tuyên truyền về chung tay giảm thiểu rác thải nhựa và bảo vệ đại dương.