Giáo dục ngoại khóa về rác thải nhựa tại Phú Quốc

Trong nhiều năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường dành cho học sinh, sinh viên các cấp học trên phạm vi cả nước đã luôn được chú trọng, đặc biệt là tập trung vào giáo dục trong các chương trình chính khóa và ngoại khóa. Xác định học sinh là một trong những nhóm đối tượng dễ tạo ra sự thay đổi trong nhận thức và hành vi liên quan tới bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, đặc biệt là giảm thiểu rác thải nhựa, Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã phối hợp với Thành đoàn và Trung tâm Du lịch Sinh thái của Vườn quốc gia Phú Quốc xây dựng và triển khai chương trình giáo dục ngoại khóa về rác thải nhựa trong trường học cho đối tượng học sinh ở bậc tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2022. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động thuộc Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” do Cục Biển và Hải đảo Việt Nam chủ trì, phối hợp với WWF-Việt Nam . Đến nay, thông qua chương trình ngoại khóa về rác thải nhựa, Dự án đã hỗ trợ 13 trường học trên địa bàn thành phố triển khai tuyên truyền giáo dục về rác thải nhựa cho hơn 2.000 học sinh.

Xây dựng và triển khai chương trình ngoại khóa về rác thải nhựa

Tháng 3 năm 2021, Dự án hỗ trợ xây dựng và triển khai thí điểm chương trình truyền thông “Thám hiểm biển nhựa” cho 500 em học sinh khối 4 và 5 của Trường Tiểu Học Dương Đông 1. Các hoạt động tổ chức tại trường bao gồm: 1/ hoạt động dưới cờ, 2/ triển lãm “Thám hiểm biển nhựa” và 3/ hoạt động vui chơi “Giải cứu biển nhựa”.

Kết quả đánh giá sơ bộ cho thấy, với phương pháp truyền đạt thân thiện, ấn tượng, dễ nhớ, chương trình đã cung cấp kiến thức đa chiều xung quanh rác nhựa dùng một lần và vấn nạn ô nhiễm nhựa đại dương. Từ đó góp phần nâng cao nhận thức của cư dân địa phương với đối tượng mục tiêu là học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố Phú Quốc về vấn đề ô nhiễm rác nhựa và các phương pháp thay thế vật liệu nhựa một lần.

Kế thừa bộ tài liệu và công cụ của chương trình truyền thông “Thám hiểm biển nhựa” đã xây dựng, Dự án phối hợp với Trung tâm Du lịch sinh thái của Vườn quốc gia Phú Quốc triển khai chương trình ngoại khóa cho 9 trường Tiểu học và Trung học cơ sở trên địa bàn thành phố nhằm cung cấp kiến thức về rác thải nhựa cho học sinh thông qua các hình ảnh trực quan, trò chơi hướng đến thay đổi hành vi, khuyến khích giảm nhựa và phân loại rác tại nguồn. Hoạt động này đã thu hút gần 1.500 học sinh Tiểu học và THCS tham gia. Bên cạnh hoạt động ngoại khóa tại trường học, có 342 em học sinh đến từ Câu lạc bộ Xanh của 9 trường còn tham gia chương trình tham quan dã ngoại nhằm học hỏi thêm các kiến thức về đang dạng sinh học trong Vườn Quốc gia Phú Quốc, đồng thời thực hiện dọn vệ sinh rác thải dọc tuyến đường tham quan.

Trại làm phim dành cho học sinh bậc THPT

Đối với nhóm học sinh bậc THPT, Dự án xác định hướng tiếp cận hiệu quả để giáo dục nâng cao nhận thức cho đối tượng này là thông qua các hoạt động hỗ trợ phát triển kỹ năng truyền thông. Do đó, Dự án đã phối hợp với Thành đoàn tổ chức Chương trình Trại làm phim kể chuyện bằng hình ảnh cho 60 đoàn viên là học sinh của 03 trường THPT Phú Quốc, Dương Đông và An Thới nhằm trang bị các kiến thức và kỹ năng hữu ích cho đoàn viên để xây dựng các video truyền thông về môi trường, giảm rác thải nhựa.

Thí điểm mô hình trường học giảm nhựa

Tiếp nối các hoạt động ngoại khóa về giáo dục môi trường và rác thải nhựa đã triển khai tại 10 trường học trên địa bàn thành phố trong năm học 2021-2022, Dự án đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo triển khai thí điểm mô hình “Trường học giảm nhựa” tại trường TH&THCS Nguyễn Trung Trực trong năm học 2022-2023.

Hình ảnh: Lễ phát động mô hình trường học giảm nhựa tại trường TH-THCS Nguyễn Trung Trực

Kết quả đánh giá cuối kỳ cho thấy, trong năm học 2022-2023, trường TH-THCS Nguyễn Trung Trực đã cắt giảm 95% lượng rác thải nhựa từ văn phòng và 39% lượng rác thải nhựa từ hoạt động ăn uống trong trường học. Trong đó, bao gói thực phẩm, dụng cụ ăn uống bằng nhựa dùng một lần như ống hút, túi nilon đã được giảm thiểu đáng kể. Cũng theo kết quả khảo sát cuối chương trình, 90%học sinh đã thực hành phân loại rác tại trường, 83,7% thực hành biện pháp giảm nhựa; tăng lần lượt 46,3% và 40% so với khảo sát đầu chương trình.

Từ những thành công bước đầu đạt được tại Phú Quốc, Dự án phối hợp với trường TH-THCS Nguyễn Trung Trực tổ chức Lễ tổng kết Mô hình trường học không rác thải tại Thành phố Phú Quốc, qua đó đã chia sẻ kết quả thực hiện cũng như bài học kinh nghiệm, câu chuyện thành công của mô hình này đến với các ban ngành liên quan tại thành phố Phú Quốc cũng như toàn bộ các trường tiểu học, trung học cơ sở trên toàn thành phố, tạo mô hình điểm hướng tới áp dụng trên phạm vi rộng hơn./.

Bài viết liên quan