Giáo dục về rác thải nhựa trong nhà trường tại Côn Đảo

22/03/2024

Học sinh là một trong những đối tượng quan trọng cần được giáo dục các kiến thức và thực hành các kỹ năng về bảo vệ môi trưởng, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là các kiến thức về rác thải nhựa và xây dựng thói quen tốt phân loại rác tại nguồn và giảm nhựa.

Cùng với Phú Quốc và Cù Lao Chàm, Côn Đảo là địa phương tham gia Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” giai đoạn từ 2019 đến nay. Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam thông qua việc hỗ trợ xây dựng các văn bản hướng dẫn để thực hiện các chính sách ưu tiên liên quan đến chất thải nhựa, các hoạt động truyền thông, tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với chất thải nhựa, nhằm hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 tại Việt Nam.

Xác định giáo dục trong nhà trường là phương thức hiệu quả để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dạy và người học về thu gom, xử lý, tái chế, tái sử dụng rác thải nhựa, UBND huyện Côn Đảo đã chỉ đạo lồng ghép chủ đề về ô nhiễm rác thải nhựa vào nội dung giáo dục ở các cấp học thông qua các bộ tài liệu tuyên truyền và tập huấn cho giáo viên, học sinh.

Với mục tiêu tăng cường kiến thức và năng lực cho đội ngũ giáo viên để triển khai nội dung giáo dục về rác thải nhựa trong trường học, cùng với sự hỗ trợ của Dự án, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức tập huấn về rác thải nhựa và hướng dẫn cách xây dựng Kế hoạch hành động cho mô hình Trường học không rác thải nhựa cho 180 giáo viên đến từ 6 trường học trên toàn địa bàn Côn Đảo. Sau khóa tập huấn cho giáo viên, Dự án tiếp tục đồng hành cùng 3 trường mầm non Sen Hồng, Tuổi Thơ và Hướng Dương xây dựng và triển khai kế hoạch trường học giảm nhựa năm học 2021-2022 với các hoạt động chính:

Kiểm toán rác thải tại trường học.

Vận động giáo viên sử dụng bộ đồ ăn và túi đi chợ dùng nhiều lần nhằm hạn chế sử dụng nhựa dùng 1 lần.

Tổ chức chương trình nhặt rác nhựa để tái chế thành đồ chơi và dụng cụ học tập cho học sinh. Trong năm học 2021-2022, mỗi trường thực hiện được 10 đợt thu gom các loại chai, lọ nhựa, vỏ hộp xốp, ống hút và thìa nĩa nhựa để làm vật liệu tái chế đồ chơi, vật phẩm trang trí và đồ dùng học tập trong trường học.

Tổ chức cuộc thi “Ngày hội tái chế nhựa” nhằm tạo sân chơi khuyến khích sự sáng tạo của các cô giáo cùng các học sinh, đồng thời nâng cao ý thức, hình thành thói quen phân loại và tái sử dụng các sản phẩm nhựa đã qua sử dụng nhằm giảm thiểu rác nhựa phát sinh. Chương trình “Ngày hội tái chế nhựa” ở các trường đã thu hút sự tham gia của các đội thi với các thành viên bao gồm 36 giáo viên, 49 học sinh, 20 phụ huynh và 12 nhân viên trường; cùng với sự tham gia cổ vũ của hơn 200 cháu học sinh của các trường. Qua đó, giáo viên đã góp phần xây dựng môi trường vật chất cho nhà trường, tạo cơ hội cho trẻ có thêm không gian, điều kiện vui chơi và học tập; thu hút sự quan tâm, ủng hộ của các bậc cha mẹ học sinh đối với công tác giáo dục trẻ cũng như các hoạt động phong trào của nhà trường trong công tác bảo vệ môi trường.

Trong năm học 2022-2023, UBND huyện chỉ đạo tiếp tục triển khai mô hình Trường học giảm nhựa tại 3 trường học còn lại trên địa bàn huyện, bao gồm trường Tiểu học Cao Văn Ngọc, trường THCS Lê Hồng Phong và trường THPT Võ Thị Sáu. Cùng với sự đồng hành của Dự án, các trường đang triển khai xây dựng kế hoạch hành động cụ thể.

Thời gian tới, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giáo dục về rác thải nhựa trong trường học, chính quyền địa phương định hướng tiếp tục triển khai một số hoạt động như: Các trường học cần quan tâm và thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn, quy định về phân loại, thu gom rác, không mang rác nhựa sử dụng một lần vào trường. Sử dụng các nội dung và tài liệu từ chương trình tập huấn kiến thức và kỹ năng đã được thiết kế để đào tạo kiến thức và kỹ năng cho học sinh, từ đó phát triển được nguồn nhân lực hỗ trợ cho các chương trình giáo dục nâng cao nhận thức trong năm học mới. Thêm vào đó, từ nền tảng này nhà trường cần phát triển các chương trình giáo dục nâng cao nhận thức về phân loại rác và giảm thiểu rác nhựa cho chương trình ngoại khóa của năm học sau, tạo cơ hội để tất cả học sinh đều được tham gia và tự nguyện thực hành thói quen tốt. Định kỳ tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức về phân loại rác và thực hành hành động giảm sử dụng nhựa 1 lần cho nhóm đối tượng giáo viên và cán bộ tại trường; đảm bảo nhóm đối tượng này được trang bị toàn diện các kiến thức và thực hành thói quen giảm nhựa và phân loại rác đúng. Thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục nâng cao nhận thức về phân loại rác, đảm bảo 100% học sinh hiểu đúng về cách phân loại rác. Bố trí người giám sát và đánh giá mức độ phân loại rác hằng ngày, để kịp thời đề ra các chương trình điều chỉnh nhằm đạt được mục tiêu 100% phân loại rác đúng theo mục tiêu chung của địa bàn huyện Côn Đảo. Đồng thời, phụ huynh học sinh cũng nên là đối tượng cần được hướng đến trong những chương trình tiếp theo. Cần có những buổi tuyên truyền nâng cao nhận thức và lồng ghép trong các buổi gặp gỡ phụ huynh để phụ huynh đồng hành tập các thói quen tốt cho con em khi đến trường./. 

Bài viết liên quan