Hội thảo “Đề xuất giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm và lộ trình thực hiện đối với ngành nhựa trong kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn”

24/03/2024

Ngày 22/12/2023, tại Hà Nội, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phối hợp với Ban Quản lý Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương Việt Nam” do Cục Biển và Hải đảo Việt Nam làm Chủ Dự án và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Đề xuất giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm và lộ trình thực hiện đối với ngành nhựa trong kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn”.

Đến dự Hội thảo có sự tham gia và chủ trì của Ông Mai Thanh Dung – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Ông Nguyễn Đăng Lộc, Đại diện ban quản lý dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương Việt Nam”, đại diện Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, đại diện WWF-Việt Nam và đại biểu đến từ cơ quan quản lý chính sách, các doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực liên quan.

Phó Viện trưởng Mai Thanh Dung chủ trì Hội thảo (Nguồn: ISPONRE)

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Viện trưởng Mai Thanh Dung cho biết, thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn. Trong quá trình xây dựng Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn, Viện đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp về nội dung ngành, lĩnh vực, sản phẩm ưu tiên cần áp dụng kinh tế tuần hoàn, đặc biệt đối với ngành nhựa. Hội thảo hôm nay được tổ chức nhằm mục tiêu tham vấn các bên liên quan về đề xuất các giải pháp, nhiệm vụ và lộ trình thực hiện đối với ngành nhựa hỗ trợ quá trình xây dựng Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn. Các ý kiến góp ý tại Hội thảo sẽ đóng góp hiệu quả cho quá trình xây dựng và hoàn thiện Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn trong thời gian tới.

Điều 142 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (Luật BVMT 2020) đưa ra quy định cụ thể của Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng và ban hành tiêu chí, lộ trình và cơ chế khuyến khích thực hiện kinh tế tuần hoàn phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của Việt Nam. Trong số các nhiệm vụ quy định tại lộ trình kinh tế tuần hoàn, đến cuối năm 2023 Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn. Nội dung Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn yêu cầu xác định các ngành, lĩnh vực ưu tiên trong lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn và áp dụng các tiêu chí, chỉ số để đánh giá việc thực hiện kinh tế tuần hoàn đối với lĩnh vực đó. Quá trình nghiên cứu về tính sẵn sàng áp dụng kinh tế tuần hoàn trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên, hiện trạng phát sinh và các thuận lợi, khó khăn của từng ngành cho thấy ngành nhựa là một trong những ngành ưu tiên cần thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn trong thời gian tới.

Trong quá trình thực hiện nghiên cứu và xây dựng dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn, đã có nhiều ý kiến đóng góp về nội dung ngành, lĩnh vực, sản phẩm ưu tiên cần áp dụng kinh tế tuần hoàn, đặc biệt đối với ngành nhựa, được chia sẻ và tiếp thu. Các hoạt động, mục tiêu, giải pháp, lộ trình áp dụng kinh tế tuần hoàn đối với ngành nhựa trong thời gian tới sẽ đòi hỏi nhiều hơn các nghiên cứu cụ thể đáp ứng căn cứ cơ sở khoa học và phù hợp với thực trạng quản lý tại Việt Nam.

Bài viết liên quan