Triển khai thí điểm mô hình Cơ sở phục hồi tài nguyên (MRF) tại Cù Lao Chàm

24/03/2024

Cơ sở phục hồi tài nguyên (Material Recovery Facility – MRF) là mô hình thí điểm hoạt động phân loại và thu hồi tái chế chất thải rắn sinh hoạt dựa vào cộng đồng. Mô hình do GAIA và Pacific Environment hỗ trợ Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm và UBND xã Tân Hiệp lắp đặt và hướng dẫn triển khai từ giữa tháng 4 năm 2021 với sự tham gia của 30 hộ gia định tại Bãi Ông.

Từ tháng 7 năm 2021, Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” do Cục Biển và Hải đảo Việt Nam chủ trì, phối hợp với WWF-Việt Nam thực hiện từ năm 2020, đã hỗ trợ UBND xã Tân Hiệp tiếp nhận mô hình và hoàn thiện quy trình vận hành thí điểm cho 30 hộ. Đến tháng 10 năm 2021, mô hình đã bắt đầu gia tăng lượng rác có thể tiếp nhận và xử lý rác cho 60 hộ gia đình.

Tham gia mô hình, các hộ gia đình thực hiện phân loại rác thành 2 loại theo quy định của địa phương là rác dễ phân hủy và rác khó phân hủy. Hai nhân công địa phương phụ trách vận hành mô hình MRF có trách nhiệm thu gom rác từ các hộ gia đình và tập kết MRF. Tại đây, rác dễ phân hủy được phân loại thành rác khô để ủ compost ngoài trời, rác ướt được đưa vào các thùng ủ có men vi sinh, và một số loại vỏ trái cây được tận dụng để tái chế làm nước tẩy rửa đa dụng. Rác khó phân hủy được phân loại thành rác tái chế (các loại có thể bán cho bên thu mua phế liệu), rác nhựa cấp thấp được gom lại để chuyển cho cơ sở tái chế và rác còn lại không thể xử lý được sẽ chuyển cho đơn vị thu gom công cộng để vận chuyển đến cơ sở xử lý rác tại Eo Gió.

Sau một năm vận hành, MRF đã tiếp nhận hơn 17 tấn rác từ 60 hộ gia đình tham gia thí điểm, phân loại và tái chế khoảng 8 tấn rác hữu cơ (47%), thu hồi 182kg rác tái chế (1%), 490kg rác nhựa giá trị thấp (3%) để chuyển cho cơ sở phế liệu và tái chế. Lượng rác còn lại phải chuyển lên cơ sở xử lý rác cũa xã chỉ còn khoảng 8,5 tấn (49%). Như vậy, với các giải pháp xử lý tại chỗ, MRF đã góp phần giảm thiểu hơn 50% lượng rác phát.

(Hình ảnh: Ủ phân compost tại mô hình MRF)

Cơ sở phục hồi tài nguyên (MRF) cũng bắt đầu nhận được sự quan tâm theo dõi của người dân. Trong 6 tháng đầu năm 2022, cơ sở đã đón 6 đoàn công tác từ các địa phương, các sinh viên nước ngoài và các học sinh trên địa bàn thành phố Hội An đến tham quan học tập và chia sẻ kinh nghiệm về mô hình. Điểm nổi bật là sau nhiều đợt đón và tiếp các đoàn công tác thì 2 nhân công được thuê khoán hiện nay đã dần tự tin phụ trách hướng dẫn và rất hào hứng lan tỏa với mọi người về các phương pháp xử lý và giảm thiểu rác thải tại đây. Đây là những tín hiệu tích cực cho thấy mô hình có triển vọng phát triển thành một trung tâm giáo dục và học tập cộng đồng về môi trường

Nhận thấy những kết quả tích cực của mô hình MRF trong việc thúc đẩy phân loại và tái chế rác tại cộng đồng, góp phần giảm nhẹ gánh nặng về xử lý rác, chính quyền xã Tân Hiệp phối hợp cùng Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đề xuất kế hoạch nâng cấp hiệu quả xử lý rác theo mô hình MRF tại Bãi Ông. Việc này nhằm gia tăng lượng rác tiếp nhận lên 120 hộ gia đình trong năm 2022, đồng thời đề xuất lắp đặt thêm 1 MRF mới cho 80 hộ gia đình thuộc thôn Bãi Hương. Mô hình MRF mới tại Bãi Hương do Dự án hỗ trợ lắp đặt và vận hành đã được đưa vào hoạt động từ tháng 2/2023.

Hiện tại, 02 mô hình MRF tại Bãi Ông và Bãi Hương đang tiếp nhận và xử lý rác thải hữu cơ của tổng cộng 203 hộ gia đình thuộc xã Tân Hiệp, chiếm 33,5% tổng số hộ của xã. Kết quả này không chỉ góp phần rất lớn trong việc giảm tải lượng rác thải chuyển đến xử lý tại bãi rác tại Eo Gió mà còn tạo ra các sản phẩm phục vụ đời sống như phân compost, nước tẩy rửa.

Bên cạnh đó, mô hình này còn là một địa điểm giáo dục môi trường lý tưởng cho học sinh, cộng đồng và các địa phương khác đến tham quan học tập về rác thải. Trong năm 2023, có 04 đoàn đến từ các tỉnh/thành phố: Thừa Thiên Huế, Phú Yên và các Vườn Quốc gia, Khu bảo tồn biển tại Côn Đảo, Phú Quốc, Cồn Cỏ và các địa phương thuộc thành phố Hội An; 02 nhóm học sinh thuộc Câu lạc bộ Em yêu đảo xanh quê em của Trường Tiểu học-Trung học cơ sở Quang Trung đã đến tham quan học tập mô hình này.

(Hình ảnh: Cơ sở phục hồi tài nguyên (MRF) tại Bãi Hương)

Thông qua mô hình MRF, có 02 sản phẩm được cộng đồng địa phương đánh giá cao đó là: phân compost và nước tẩy rửa sinh học. Trong năm 2023, BQL Khu bảo tồn biển cũng đã ra mắt giới thiệu sản phẩm mới nước tẩy rửa sinh học đa dụng cho người dân Cù Lao Chàm. Trước khi sản phẩm chính thức đưa đến tay người tiêu dùng, nhiều cuộc khảo sát được triển khai nhằm đánh giá khả năng làm sạch của sản phẩm và tiến hành gửi mẫu để kiểm định chất lượng nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Đồng thời, phối hợp với UBND xã Tân Hiệp tiếp tục lồng ghép hoạt động giới thiệu sản phẩm trong các buổi tuyên truyền cộng đồng, sinh hoạt hội phụ nữ… đưa thông điệp xanh cũng như ý nghĩa của sản phẩm gửi gắm đến người tiêu dùng góp phần nâng cao nhận thức trong cộng đồng về việc biến rác thải tài nguyên và chung tay bảo vệ môi trường sống.

 (Hình ảnh: Nước tẩy rửa sinh học từ mô hình MRF)

Bài viết liên quan