Rác thải nhựa phát sinh trong quá trình khai thác thủy sản biển đến từ các hoạt động đánh bắt, đóng gói, bảo quản và tiêu thụ. Theo một báo cáo của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF), hàng năm tổng lượng rác thải nhựa đổ ra biển trên toàn thế giới lên đến 19-23 triệu tấn. Trong đó, các sản phẩm từ nhựa dùng một lần chiếm đại đa số. Chỉ tính riêng ở Việt Nam, số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, mỗi năm có khoảng 0,28-0,73 triệu tấn rác thải nhựa được xả ra biển ở Việt Nam. Chính điều này đã tác động nghiêm trọng tới môi trường, đe dọa sự sống của các loài sinh vật và gây áp lực rất lớn tới công tác thu gom, phân loại và xử lý rác thải nhựa.
Để góp phần thu gom, phân loại, tái sử dụng và xử lý rác thải nhựa trên biển, đã có nhiều giải pháp về chính sách và kỹ thuật, nhiều mô hình được đề xuất và áp dụng trong thực tế, trong đó có thể kể tới 02 mô hình tại TP. Phú Quốc và Cù Lao Chàm, 2 trong 3 khu bảo tồn biển (gồm Côn Đảo, Cù Lao Chàm, Phú Quốc) tham gia Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” do Cục Biển và Hải đảo Việt Nam chủ trì, phối hợp với WWF thực hiện từ năm 2020 đến nay.
Mô hình “Đoàn tàu cá chống rác thải nhựa đại dương” tại Phú Quốc với sự tham gia của 26 tàu thuộc đội tàu của Công ty Cổ phần Thương mại Khải Hoàn. Được khởi xướng từ năm 2021 tại TP. Phú Quốc với tên gọi “Đoàn tàu cá chống rác thải nhựa đại dương”, đây là mô hình thí điểm đầu tiên về hợp tác công-tư trong lĩnh vực thủy sản tại TP. Phú Quốc nhằm thu gom rác thải nhựa (RTN) từ các hoạt động trên biển với sự tham gia của đội tàu thuộc Công ty Cổ phần Thương Mại Khải Hoàn gồm 26 tàu cá và 02 tàu thu mua hải sản. Kết quả đánh giá sơ bộ cho thấy sau mỗi chuyến đi biển, các đoàn tàu cá về bờ đã thu gom được từ 1,6-2,1 tấn rác, trong đó có khoảng 360 kg là rác tái chế. Ước tính đến tháng 10/2022, tổng lượng rác tàu đã mang về bờ là khoảng 17,6 tấn. Đến năm 2023, tại Phú Quốc, mô hình này tiếp tục được nhân rộng cho 500 tàu cá thường cập cảng An Thới.
Mô hình “Ngôi nhà đại dương” được bắt đầu triển khai từ tháng 02/2023 tại xã Tân Hiệp, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam. Mô hình đã thu hút sự tham gia của ngư dân địa phương trong việc thu gom rác thải nhựa trên biển để tập kết tại 06 Ngôi nhà đại dương được đặt tại các bãi biển và Âu thuyền Cù Lao Chàm. Việc triển khai mô hình này nhằm khuyến khích và vận động sự tham gia của ngư dân trong việc mang rác vào bờ sau khai thác thủy sản và vớt rác trôi nổi trên biển. Nhiều rác thải nhựa có hại cho môi trường biển như chai lọ, bao nilon, xốp lưới hỏng, cước và các ngư cụ khác được “đưa về bờ”. Trung bình hằng tháng thu gom 140kg rác, trong đó rác vô cơ chiếm tỷ lệ 96%, rác tái chế chiếm tỷ lệ 4% thành phần chủ yếu là vỏ chai, vỏ lon nhôm.
Từ thực tiễn xây dựng và áp dụng mô hình đã đạt được những kết quả khả quan tại TP. Phú Quốc và Cù Lao Chàm, đến nay, Côn Đảo, địa phương tham gia Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương” cũng bắt đầu thiết lập các trạm tập kết rác cho ngư dân ở cảng Bến Đầm và bắt đầu hoạt động tuyên truyền vận động ngư dân mang rác về bờ, góp phần gìn giữ môi trường và tài nguyên sinh vật biển tại đây./.