NHẬN THỨC VỀ TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯ DÂN VỚI VẤN ĐỀ RÁC THẢI NHỰA

28/12/2021

Ý thức và hành động của cộng đồng xã hội, trong đó có đông đảo ngư dân, những người đang hằng ngày sinh sống, làm việc trên biển sẽ có ý nghĩa quyết định đến việc bảo vệ môi trường biển nói chung và vấn đề rác thải nhựa nói riêng. Tổ chức WWF khẩn thiết kêu gọi ngư dân thực hiện những giải pháp cấp bách để bảo vệ môi trường biển, đại dương trước rác thải nhựa. Mỗi ngư dân là một chiến binh để bảo vệ môi trường biển, môi trường sống của nhân loại. 

Trong 50 năm qua, lượng nhựa được sử dụng tăng gấp 20 lần, dự báo sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm nữa. Những con số này sẽ không ngừng tăng lên, đặc biệt là ở các quốc gia mới, đang phát triển. Theo thống kê của WHO, mỗi phút cả thế giới tiêu thụ 1 triệu chai nhựa. Tính đến nay, thế giới đã sản xuất ra 8,3 tỷ tấn nhựa, trong đó có đến 6,3 tỷ tấn là rác thải nhựa. Trung bình mỗi năm, thế giới thải ra ngoài môi trường khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa và có đến 8 triệu tấn thải ra biển. Tổ chức Bảo vệ môi trường biển Ocean Conservancy dự báo đến năm 2025, cứ 3 tấn cá sẽ có 1 tấn rác thải biển.

Rác thải không được xử lý hợp lý là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (© WWF-Việt Nam)

Đứng trước thực trạng chất thải nhựa gia tăng một cách chóng mặt thì trách nhiệm của ngư dân cần phải đề cao, nhất là trong việc sử dụng, bảo quản thiết bị có nguồn gốc từ nhựa như các loại ngư cụ (lưới, phao các loại) khi loại thải thì thu gom, xử lý, giúp biển sạch hơn. Ngư dân nên áp dụng các phương pháp tốt nhất và phù hợp trong hoạt động đánh bắt có trách nhiệm, bao gồm việc tuân thủ các hạn chế về không gian, thời gian và sử dụng chung các khu vực đặt ngư cụ cố định nhằm tránh xung đột về sử dụng khu vực mặt nước giữa ngư cụ và tàu thuyền, loại bỏ các ngư cụ hết tuổi thọ và hư hỏng đúng nơi quy định, phù hợp với quy định của từng công trình, bến cảng.

Ảnh chụp tại huyện Phú Quốc, Kiên Giang, 2019. Đây là nơi tàu thuyền neo đậu, cũng là cửa sông đổ ra biển nên tập trung nhiều rác nhựa (© WWF-Việt Nam)

Trách nhiệm của ngư dân đối với vấn đề rác thải nhựa không chỉ dừng lại ở đó, nó còn nằm ở tinh thần trách nhiệm cao, ý thức bảo vệ môi trường, tuyên truyền giáo dục và phổ biến những chương trình, chính sách nhằm hạn chế vấn đề rác thải nhựa trên biển. Nhận thức và nâng cao trách nhiệm bằng việc hành động và phải hành động. Ngư dân là người thường xuyên sinh sống và làm việc tại biển cả, đối diện với sự ô nhiễm về rác thải nhựa lại càng cần phải nỗ lực hơn nữa, thực hiện đồng bộ các giải pháp cùng cộng đồng để bảo vệ biển, hệ sinh thái của con người. 

Công nhân vớt rác trên sông Hương, TP. Huế (© WWF-Việt Nam)

Môi trường biển sạch là nền tảng tạo nên nguồn thủy sản an toàn và dồi dào, để phát triển nền kinh tế biển, du lịch biển bền vững, đồng thời là động lực để cải thiện sinh kế và giúp cho đời sống ngư dân ngày càng no ấm.

Nguyễn Thị Huyền Trang 

Bài viết liên quan