THÀNH LẬP LIÊN MINH TOÀN CẦU – ĐẶT DẤU CHẤM HẾT CHO CÂU CHUYỆN Ô NHIỄM NHỰA VÀO NĂM 2040

26/10/2022

Vào ngày 22 tháng 8 năm 2022 tại Gland, Thụy Sĩ, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) ra thông cáo chính thức kêu gọi chính phủ các nước tham gia vào một Liên minh với tham vọng chấm dứt ô nhiễm nhựa vào năm 2040 – High Ambition Coalition (HAC). Liên minh hiện đã có sự đồng hành của 20 quốc gia, với quyết tâm đảm bảo hiệp ước ô nhiễm nhựa đầu tiên trên thế giới bao gồm các quy tắc và quy định chung cho toàn cầu về sản xuất, thiết kế và xử lý nhựa, thay vì chắp vá từ tiêu chuẩn riêng lẻ của từng nước.

Liên minh với tham vọng chấm dứt ô nhiễm nhựa (HAC) đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa toàn cầu sẽ được đẩy lùi hoàn toàn vào năm 2040, chỉ 16 năm sau khi thể giới thống nhất hiệp ước về ô nhiễm nhựa toàn cầu vào năm 2024. WWF kỳ vọng, với sự ủng hộ của các quốc gia thành viên còn lại của Liên Hợp Quốc, Liên minh này sẽ thành công trong mục tiêu loại bỏ các chế phẩm nhựa gây hại, bao gồm cả các sản phẩm nhựa dùng một lần không thiết yếu; qua đó giành thắng lợi nhanh chóng trong cuộc chiến với ô nhiễm nhựa trên toàn cầu.

Các quy định trong hiệp ước sẽ gây ảnh hưởng rõ rệt đối với các công ty sản xuất nhựa nguyên sinh (thay vì tái chế), cũng như các công ty tiếp thị sản phẩm sử dụng bao bì dùng một lần. Tuy nhiên, thực trạng ô nhiễm nhựa tiếp tục gây ra tác hại môi trường ngày một lớn trên toàn cầu đòi hỏi nỗ lực chung về mặt pháp lý của tất cả các quốc gia, các tiêu chuẩn chung cho các sản phẩm nhựa, cũng như tăng cường tính minh bạch về cách thức sản xuất và sử dụng nhựa.

“Việc chấm dứt ô nhiễm nhựa bắt đầu khi các nhà lãnh đạo toàn cầu thừa nhận tính hủy hoại của nhựa. Vì vậy vào đầu năm nay, cả thế giới đã đồng thuận rằng chúng ta cần một hiệp ước toàn cầu để chấm dứt ô nhiễm nhựa. Tiếp theo, các quốc gia cần nghiêm khắc trong việc cấm các loại nhựa gây hại như nhựa dùng một lần không thiết yếu, thiết lập các tiêu chuẩn chung cho sản xuất nhựa và yêu cầu minh bạch hơn về chuỗi giá trị nhựa” – ông Marco Lambertini, Tổng giám đốc WWF International, cho biết. “HAC là minh chứng cho quyết tâm toàn cầu về việc nghiêm túc đẩy lùi khủng hoảng ô nhiễm nhựa. Giờ đây, chúng tôi rất cần sự ủng hộ của thêm nhiều quốc gia hơn nữa”.

WWF tin tưởng hiệp ước ô nhiễm nhựa toàn cầu sẽ có ảnh hưởng tương đương, thậm chí là lớn lao hơn, so với Nghị định thư Montreal – hiệp ước quốc tế năm 1989 giúp loại bỏ thành công việc sản xuất các chất độc hại gây suy giảm tầng ozone. Thành công này có được là nhờ mức độ hợp tác và cam kết chưa từng có của cộng đồng quốc tế. Chìa khóa để tái hiện quá trình hợp tác này là cam kết của Liên minh trong việc hỗ trợ kỹ thuật, tài chính cũng như các đánh giá khoa học và kinh tế xã hội, để đảm bảo tất cả các quốc gia đủ điều kiện thiết lập một kế hoạch hành động hiệu quả và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn toàn cầu, thay vì miễn cưỡng tuân thủ các nguyên tắc.

Các quốc gia cần dẹp bỏ những khác biệt và ý chí cá nhân trong cách sản xuất và quản lý nhựa – đồng nghĩa với việc gạt bỏ kiểu hiệp ước dựa trên tham vọng quốc gia, và thành lập một hiệp ước chung đòi hỏi tất cả các quốc gia đều tuân theo những quy tắc giống nhau. Chúng ta không nên coi đây là bất lợi, hay một việc “vô thưởng vô phạt” (zero-sum game), vì việc tuân thủ các quy tắc chung có thể được thực hiện một cách hữu hảo và có lợi cho tất cả mọi người. Trước đây chúng ta đã làm được, nên lần này chúng ta sẽ làm được.” – ông Eirik Lindebjerg, Giám đốc Chính sách Nhựa Toàn cầu, WWF Quốc tế khẳng định.

Bài viết liên quan