Điểm sáng với mô hình “Điểm tập kết xanh”
Từ nhiều năm qua, lô đất trống có diện tích 3.000m2 trên đường Phan Xích Long (quận Thanh Khê) là nơi tập kết rác thải từ nhiều nơi, cỏ dại mọc cao, cảnh quan nhếch nhác không phù hợp với đô thị. Đây cũng là điểm tập kết của 10 xe rác đẩy tay loại 660 lít, khối lượng rác tập trung khoảng 5 tấn/ngày. Ngoài ra, vào buổi tối, một số đối tượng còn đổ trộm giá hạ, xà bần và rác thải có kích thước lớn tại khu vực này, dần dần hình thành một điểm nóng về môi trường. Điều này không chỉ gây ô nhiễm, khiến cho người dân sống xung quanh (phường An Khê) bức xúc mà còn ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Nhiều nỗ lực và ngân sách đã được đầu tư để dọn dẹp tại khu vực này nhưng vẫn không giải quyết được triệt để vấn đề.
Trước thực trạng trên, năm 2022, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” (do Cục Biển và Hải đảo Việt Nam phối hợp Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam thực hiện) cùng xây dựng phương án cụ thể để xóa điểm nóng này, biến nơi đây thành một điểm tập kết xanh, văn minh, hiện đại, không chỉ đáp ứng các tiêu chí về kỹ thuật thu gom và xử lý rác thải mà còn thân thiện với môi trường và con người. Theo đó trong quá trình thực hiện, Dự án đã hỗ trợ địa phương san gạt, tổng dọn vệ sinh môi trường, làm sạch mặt bằng khu đất trống này để UBND phường An Khê đầu tư kinh phí đồng thời vận động bà con đóng góp ngày công thực hiện việc láng nền làm khu vui chơi. Đồng thời Dự án hỗ trợ xây dựng “Điểm tập kết xanh” bằng 4 vách tole kiên cố, vẽ tranh tuyên truyền trên các mặt vách, trồng cây xanh tạo cảnh quan và hỗ trợ lắp đặt camera để giám sát việc đổ rác không đúng nơi quy định tại khu vực này.
Điểm tập kết xanh tại Thanh Khê trước và sau khi dọn dẹp
Mô hình sau khi hoàn thành đang tạo ra tiếng vang lớn không chỉ trên địa bàn quận Thanh Khê, mà cả trên toàn địa bàn thành phố. Trong đó một trong những thành công đáng ghi nhận nhất của mô hình “điểm tập kết xanh” đó chính là việc tạo ra sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng người dân sinh sống trong khu vực.
Với những kết quả tích cực đó, phòng Tài nguyên và Môi trường đã chủ động tham mưu UBND quận thực hiện nhân rộng mô hình trên các khu vực khác trên địa bàn: cụ thể 2 điểm ở đường Trường Chinh và 1 điểm ở đường Yên Khê 2 bằng nguồn lực của địa phương. Đối với các khu vực này, Dự án cũng đã hỗ trợ thực hiện vẽ tranh bích họa tại các điểm, giúp tạo thêm sức hút, điểm nhấn cho mô hình.
Đây là một trong những mô hình hiệu quả và có ý nghĩa rất lớn, thu hút được sự quan tâm của truyền thông và cộng đồng; và cũng được Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng ghi nhận và đánh giá cao trong các cuộc họp tổng kết, đánh giá. Đồng thời với tính hiệu quả và sáng tạo, mô hình này cũng đã được nhiều địa phương khác của Dự án nghiên cứu áp dụng triển khai như tại thành phố Rạch Giá và tỉnh Phú Yên. Trong năm 2022, Dự án cũng tiếp tục hỗ trợ Thanh Khê để nhân rộng mô hình này đối với 01 điểm tại tuyến đường Bàu Trảng 7; cũng như khảo sát để đánh giá hiện trạng các khu vực khác trên địa bàn.
Mô hình “Bình hoa an sinh” – tăng cường thu hồi rác tái chế trong cộng đồng
Mô hình phân loại rác và tăng cường thu gom rác tài nguyên, bán gây quỹ phục vụ an sinh xã hội “Bình hoa an sinh” tại các khu dân cư là một sáng kiến của Hội Liên hiệp Phụ nữ quận với sự đồng hành hỗ trợ của Dự án và các bên liên quan khác. Theo đó, tính đến tháng 12/2023, tổng cộng 313 mô hình “Bình hoa an sinh xã hội” đã được triển khai và vận hành trên địa bàn, trong đó Dự án hỗ trợ thực hiện 85 mô hình. Tổng kinh phí quỹ thu được là 583 triệu đồng (2022) và 425 triệu đồng (đến 10/2023), giúp hỗ trợ các hoạt động an sinh cho rất nhiều lượt Hội viên Hội Phụ nữ quận. Việc thực hiện mô hình đã thu hút sự tham gia và hưởng ứng trong đông đảo hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ quận cũng như bà con nhân dân. Đây là một trong những hoạt động có ý nghĩa không chỉ đối với công tác bảo vệ môi trường, mà còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc; tạo nên hiệu ứng hưởng ứng và lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng thời gian qua.
Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, cùng với ý nghĩa cả về kinh tế và môi trường; Dự án sẽ tiếp tục đồng hành và phối hợp/hỗ trợ Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Thanh Khê trong thời gian tới để nhận rộng và hoàn thiện mô hình nhằm tối ưu hóa việc thu gom rác tái chế trên địa bàn.