Triển khai chương trình thu gom rác thải nhựa đại dương tại các Khu bảo tồn Biển

22/03/2024

Xây dựng các khu bảo tồn biển là một trong những phương thức hiệu quả để bảo vệ môi trường sinh thái biển. Với hơn 3.200km đường bờ biển, Việt Nam đã thành lập và quản lý 11 khu bảo tồn biển và vùng biển thuộc vườn quốc gia, bao gồm: 04 khu bảo tồn biển (Bạch Long Vĩ/ Hải Phòng, Cồn Cỏ/Quảng Trị, Lý Sơn/ Quảng Ngãi, Hòn Cau/Bình Thuận) và 05 khu vực biển thuộc vườn quốc gia (Bái Tử Long/Quảng Ninh, Cát Bà/Hải Phòng, Núi Chúa/Ninh Thuận, Côn Đảo/Bà Rịa – Vũng Tàu, Phú Quốc/ Kiên Giang); Cù Lao Chàm/Thành phố Hội An và Vịnh Nha Trang/thành phố Nha Trang.

Cùng với việc xây dựng các khu bảo tồn thì chúng ta cần phải thực hiện tốt công tác bảo vệ sự đa dạng sinh học và giải quyết triệt để các nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm do rác thải nhựa.

Theo báo cáo kết quả chương trình giám sát và đánh giá rác thải nhựa trên bãi biển và rạn san hô giai đoạn 2019-2022, rác thải nhựa trên các rạn san hô được khảo sát năm 2022 chiếm trung bình 77,48% về số lượng và 55,45% về khối lượng; các loại rác thải khác như kim loại, thủy tinh, cao su, gỗ/giấy, vải và rác thải khác có số lượng không đáng kể. Rác nhựa phát sinh từ hoạt động khai thác thủy sản (lưới, dây câu, dây thừng) chiếm trung bình 50,81% về số lượng và 65,81% về khối lượng. Do đó, công tác thu gom rác nhựa đại dương tồn đọng trên các rạn san hô trong khu bảo tồn biển là hoạt động cần được ưu tiên để giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đến các hệ sinh thái quan trọng trong khu bảo tồn biển.

Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” do Cục Biển và Hải đảo Việt Nam chủ trì, phối hợp với WWF-Việt Nam triển khai tại 3 Khu Bảo tồn biển: Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam), Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) là một trong những nỗ lực góp phần vào công tác bảo vệ môi trường và tài nguyên sinh vật biển các khu bảo tồn biển tại Việt Nam.

Tiêu diệt sao biển gai và làm sạch rác thải giúp san hô phát triển tại Cù Lao Chàm

Từ năm 2020 đến nay, Dự án đã hỗ trợ các Ban quản lý Vườn quốc gia Phú Quốc, Côn Đảo và Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm tăng cường hoạt động làm sạch rạn san hô với tần suất 2 đợt mỗi năm thông qua việc cung cấp các trang thiết bị lặn cần thiết cũng như kinh phí thực hiện các đợt dọn vệ sinh. Đến nay, tổng lượng rác thải nhựa được thu gom từ các rạn san hô của ba khu bảo tồn biển là 8 tấn, tương đương với 88,7m3.

Bên cạnh việc hỗ trợ chương trình thu gom rác thải nhựa dưới nước, “hợp phần Thủy sản và Khu Bảo tồn biển” của Dự án cũng ưu tiên hỗ trợ các hoạt động thu gom rác thải nhựa tồn đọng trên các bãi biển hoặc trong môi trường sông suối, kênh rạch và các khu dân cư ven biển nhằm ngăn chặn rác thải nhựa bị phát tán ra biển, gây ảnh hưởng đến các hệ sinh thái của khu bảo tồn biển. Hoạt động này được Dự án triển khai thông qua việc phối hợp và hỗ trợ các đơn vị trực thuộc chính quyền địa phương của thành phố/huyện/xã với mục tiêu chung là từ năm 2021, hỗ trợ thu gom và xử lý đúng cách ít nhất 2.000m3 rác nhựa mỗi năm trong 3 khu bảo tồn biển. Năm 2021, do tác động của đại dịch COVID-19, hoạt động dọn dẹp cộng đồng bị giới hạn nên Dự án cùng với ba địa phương chỉ thu gom được 281,3m3 (đạt 14%). Đến năm 2022, tổng lượng rác thải nhựa đã được thu dọn là hơn 3.087 m3(150%). Trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng khối lượng rác thải nhựa được thu gom đã đạt 2.159m3 (108%).

Lặn biển thu gom rác thải nhựa bám trên các rạn san hô tại Côn Đảo

Những kết quả thu được từ chương trình góp phần quan trọng vào công tác quản lý hiệu quả hệ thống các khu bảo tồn biển Việt Nam, đảm bảo tính bền vững của các vùng biển, nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế biển xanh dựa vào các nguồn lực tự nhiên./.

Bài viết liên quan