Rác thải nhựa tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe con người cùng các loài sinh vật khác. Điều nguy hiểm nhất của rác thải nhựa là tính chất khó phân hủy, ngay cả khi được chôn lấp vào bùn đất, chúng vẫn tồn tại hàng trăm nghìn năm, làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước và dinh dưỡng, ngăn cản oxy qua đất, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng, cản trở sinh trưởng và phát triển của các loài động, thực vật,…
Giới trẻ là những người chịu tác động trực tiếp từ môi trường, nhưng cũng đồng thời là lực lượng tham gia bảo vệ môi trường thông qua các hành động cụ thể: Nói không với đồ nhựa dùng một lần, phân loại rác thải, giữ gìn môi trường sạch đẹp,…Giới trẻ luôn nhiều năng lượng và sức sáng tạo, luôn mang những suy nghĩ tích cực và truyền được cảm hứng tươi mới tới cộng đồng.
Trong khuôn khổ Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” do Cục Biển và Hải đảo Việt Nam chủ trì, phối hợp với WWF-Việt Nam được triển khai tại Côn Đảo, ngành giáo dục địa phương đã phối hợp với Dự án triển khai mô hình Trường học không rác thải nhựa. Mô hình được triển khai thí điểm tạitrường Tiểu học Cao Văn Ngọc, trường THCS Lê Hồng Phong và trường THPT Võ Thị Sáu nhằm trang bị cho học sinh các kiến thức về rác thải nhựa thông qua các chương trình truyền thông, hoạt động ngoại khóa, kết hợp với việc đề ra các quy định, các chương trình hành động nhằm quản lý rác thải và giảm rác nhựa hiệu quả trong trường học.
Từ tháng 12/2022, Dự án đã đồng hành cùng Ban giám hiệu các trường thực hiện khảo sát và xây dựng kế hoạch hành động với mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể nhằm xây dựng thói quen tốt về phân loại rác thải tại nguồn và giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong trường học.
Tại trường Tiểu học Cao Văn Ngọc, buổi sinh hoạt chuyên đề trong lễ chào cờ đã lồng ghép tuyên truyền và giáo dục nâng cao nhận thức cho học sinh về rác thải nhựa và cách thức thu gom, phân loại rác. Tại trường THPT Võ Thị Sáu và trường THCS Lê Hồng Phong, cuộc thi “Hùng biện xanh” đã nhận được sự quan tâm của đông đảo học sinh. Các vòng thi đều nhận được sự quan tâm và cổ vũ nhiệt tình, học sinh đã cùng tranh luận và suy ngẫm về các vấn đề môi trường, xã hội, rút ra những bài học kiến thức, tư duy trách nhiệm cho chính bản thân mình.
Bên cạnh đó, chương trình vận hành căn-tin Xanh cũng được triển khai đồng thời tại 3 trường học nêu trên. Kết quả kiểm toán ghi nhận giảm đáng kể nhóm hộp xốp nhựa với 58.33% tương ứng 0.4kg/ngày, tiếp đến là ly nhựa 17.16% tương ứng 0.23kg/ngày, hộp sữa, ly nhựa khác giảm 15.86% tương ứng 0.14kg/ngày và ống hút, thìa, nĩa nhựa giảm 13.49% tương ứng 0.05kg/ngày. Đơn vị quản lý căn tin được trang bị đầy đủ kiến thức để đảm bảo việc vận hành căn tin xanh thông qua tập huấn dành cho cán bộ quản lý căn tin, bảo vệ và nhân viên vệ sinh của trường.
Việc đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện các quy định về hạn chế nhựa dùng một lần, phân loại rác thải, kết hợp với vận hành căn-tin Xanh tại các trường bước đầu đã ghi nhận được những kết quả đáng khích lệ. Điển hình như với trường THCS Lê Hồng Phong giảm hơn 70.95% tương ứng 12.97kg nhóm rác thải nhựa ăn uống, theo kết quả so sánh từ 2 đợt kiểm toán rác thải đầu và cuối chương trình; tại trường THPT Võ Thị Sáu, 80% học sinh và cán bộ nhân viên nhà trường biết và hiểu về phân loại rác đúng, 60% duy trì thực hiện phân loại rác tại trường.
Với những kết quả khả quan thu được từ thực tiễn triển khai mô hình “Trường học không rác thải nhựa” tại Côn Đảo, trong thời gian tới, cần tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình này tới các trường học trên cả nước để lan tỏa những cách làm hay trong việc huy động sức trẻ cùng tham gia thu gom, phân loại, xử lý rác thải nhựa./.