Vận động các bên nhằm tăng cường kiểm soát rác thải nhựa tại Quận Thanh Khê, Đà Nẵng

Quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng là một trong ba địa phương (cùng với Rạch Giá và Phú Yên) tiếp nhận liên tục 2 dự án cùng về chủ đề giảm thiểu rác thải nhựa với WWF-Việt Nam là Dự án Đô thị giảm nhựa (2019-2021) với nguồn lực của Cơ quan Hợp tác phát triển Na Uy (NORAD) và Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” (2020 – 2023).

Thanh Khê cũng là địa phương quan tâm và thực hiện ký Cam kết tham gia Chương trình “Đô thị giảm nhựa” từ giai đoạn rất sớm (6/2020). Nhằm hiện thực hóa những cam kết nêu trên, UBND quận Thanh Khê đã tích cực và chủ động phối hợp với Dự án để xây dựng và Ban hành Kế hoạch hành động về Quản lý rác thải nhựa trên địa bàn quận Thanh Khê đến năm 2025 (tại Quyết định số 4051/QĐ-UBND ngày 10 tháng 12 năm 2020). 

Vận động ngư dân phân loại và mang rác về bờ

Rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa từ các hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản đã và đang góp phần trực tiếp vào việc gây ô nhiễm môi trường sống của các sinh vật biển, làm suy thoái đa dạng sinh học, và gây nhiều tác động khó lường. Do đó, ngư dân là một trong các đối tượng quan trọng cần được tuyên truyền, nâng cao nhận thức tiến tới vận động thay đổi hành vi trong việc xả thải rác. Tuy nhiên, đây cũng là nhóm đối tượng khó chuyển dịch, cần có kế hoạch tiếp cận và vận động bài bản, cũng như sự tham gia của các đơn vị chức năng có liên quan tại địa phương như phòng Tài nguyên và Môi trường, phòng Kinh tế, Hội nông dân, và UBND các phường …

Truyền thông, vận động Ngư dân trên địa bàn

Trên cơ sở Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-TNMT-KT-WWFVN ngày 02/8/2022 giữa Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Kinh tế quận và WWF-Việt Nam về việc phối hợp triển khai các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn quận Thanh Khê, Dự án đã tổ chức 02 lớp tập huấn, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về rác thải nhựa đại dương và hướng dẫn phân loại rác cho 150 ngư dân thuộc các phường Thanh Khê Đông, Thanh Khê Tây và phường Xuân Hà vào ngày 26/8/2022.

Với mục tiêu chuyển đổi nhận thức của bà con ngư dân sang hành động thực tiễn; sau các chương trình tập huấn, trong quý IV/2022 và quý I/2023, Dự án phối hợp với Phòng Kinh tế quận đã triển khai đồng bộ nhiều hoạt động để thúc đẩy mô hình “Ngư dân mang rác vào bờ” trên địa bàn. Theo đó, tổng cộng 350 tàu cá bao gồm 100 tàu đánh bắt xa bờ (chiều dài trên 6m) và 250 tàu đánh bắt gần bờ (thuyền thúng) trên địa bàn quận đã tham gia thực hiện ký cam kết và gắn bảng nội quy giảm thiểu rác thải nhựa và mang rác từ biển vào bờ. Dự án cũng hỗ trợ các vật dụng và trang bị cần thiết cho ngư dân để thực hiện việc thu gom và mang rác vào bờ như sau:

– Đối với thuyền thúng: 250 vợt vớt rác thải cầm tay và 250 túi lưới đựng rác thải.

– Đối với thuyền đánh bắt xa bờ: trang bị 100 túi lưới đựng rác thải.

– Trang bị và lắp đặt 08 thùng rác (bao gồm 04 thùng rác 2 ngăn chứa rác thải tái chế và ngư cụ hỏng, và 04 thùng rác 240L) dọc sông Phú Lộc để làm điểm tập kết rác cho ngư dân.

Bên cạnh đó, Dự án cũng hỗ trợ và thúc đẩy sáng kiến “Dòng sông xanh” của Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản và bảo vệ môi trường quận Thanh Khê thông qua việc hỗ trợ kinh phí nhiên liệu cho 05 tàu của Tổ để thực hiện việc định kỳ thu gom rác thải khu vực cửa sông Phú Lộc hàng tháng; theo đó từ tháng 1 đến tháng 5/2023 Tổ đã thu gom được khoảng 500kg rác thải (trong đó, rác thải nhựa chiếm khoảng 10%). Thực hiện phân loại, thu gom được 60kg rác thải tái chế từ nguồn rác thải ngư dân mang vào bờ (trong đó, vỏ lon: 44kg, chai nhựa: 16kg)

Một số hình ảnh về quá trình triển khai mô hình

Vận động sự tham gia của Doanh nghiệp

Nguồn phát sinh rác thải (bao gồm rác thải nhựa) từ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp HORECA (Khách sạn, nhà hàng, quán cà phê) luôn chiếm một tỉ lệ lớn trong tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh, đặc biệt là tại các thành phố du lịch như Đà Nẵng. Do đó, việc truyền thông vận động sự tham gia của các doanh nghiệp vào các hoạt động giảm thiểu rác thải nói riêng, cũng như công tác bảo vệ môi trường nói chung luôn được quan tâm dành nhiều nguồn lực. Xác định đây là nhóm đối tượng khó tiếp cận, chưa có nhiều sự quan tâm đối với các hoạt động liên đến các hoạt động về môi trường; Dự án đã chủ động phối hợp với các cơ quan/ban ngành liên quan của quận Thanh Khê để xây dựng Kế hoạch phối hợp để triển khai các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn quận Thanh Khê (tập trung cho nhóm doanh nghiệp – kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-TNMT-KT-WWFVN ngày 05/10/2022 giữa Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Kinh tế, Phòng Văn Hoá Thông tin quận và Tổ chức WWF-Việt Nam).

Trên cơ sở kế hoạch phối hợp, Dự án đã tổ chức 01 buổi Hội thảo Tuyên truyền giảm thiểu rác thải nhựa và nâng cao chất lượng dịch vụ trong các doanh nghiệp trên địa bàn quận Thanh Khê vào ngày 22/10/2022. Trong thời gian tới, Dự án tiếp tục phối hợp với các ban ngành liên quan của Quận tiếp tục thúc đẩy và vận động sự tham gia của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nòng cốt vào chương trình giảm thiểu rác thải nhựa thông qua việc ký và thực hiện các cam kết về giảm thiểu rác thải nhựa tại nguồn.

Vận động các tiểu thương thông qua mô hình “Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa”

Chợ dân sinh là một trong những nguồn phát sinh lượng lớn rác nhựa một lần, đặc biệt là túi nilon. Theo đó, trong tháng 7/2022, Dự án đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ quận tổ chức các buổi truyền thông nâng cao nhận thức cho tiểu thương tại các chợ trên địa bàn quận về vấn đề rác thải nhựa với mô hình “Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa”. Đồng thời vận động các tiểu thương ký cam kết giảm sử dụng túi ni lông với 200 tiểu thương (chợ Tân An và Tam Thuận) tham gia ký cam kết. Bên cạnh đó là các hoạt động vận động hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ đi chợ bằng túi dùng nhiều lần để giảm bớt nhu cầu sử dụng túi nilon tại chợ.

Bài viết liên quan