Khảo sát nhanh về việc sử dụng nhựa 1 lần của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống

Một khảo sát nhanh đối với người tiêu dùng và các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩmtại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã được thực hiện vào tháng 5 năm 2020. Hoạt động này đã thu được những kết quả khả quan ban đầu, là tiền đề về thông tin, dữ liệu và kinh nghiệm để dự án tiếp tục triển khai các hoạt động truyền thông và tương tác tiếp theo với các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống.

 

Mục tiêu của khảo sát này nhằm nhận diện về nhu cầu sử dụng các sản phẩm, bao bì nhựa dùng-1-lần (BB&SP1), tác động của đại dịch Covid cũng như các vấn đề tiềm ẩn liên quan đến việc gia tăng tình trạng sử dụng BB&SP1 trong các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm. Nghiên cứu cũng đo lường mức độ nhận thức và sự sẵn sàng của các đối tượng mục tiêu của khảo sát trong thực tiễn áp dụng các giải pháp giảm thiểu BB&SP1.

Các phương pháp chính sử dụng trong nghiên cứu gồm nghiên cứu tài liệu thứ cấp và khảo sát bằng bảng hỏi, phỏng vấn qua qua điện thoại và các kênh trực tuyến (online) như thư điện tử (email), mạng xã hội (Facebook) về nhu cầu,  nhận thức và hành vi của 31 nhà hàng, doanh nghiệp CB-KDTP và 194 người tiêu dùng tại Hà nội & T.P Hồ Chí Minh.

 

KẾT QUẢ

Quá trình phân tích các kết quả thu được, nghiên cứu có một số phát hiện sau:

Thứ nhất, nhu cầu sử dụng BB&SP1 phổ biến ở các cơ sở CB-KDTP & người tiêu dùng. Các loại như túi nilong và màng bọc, chai nhựa, hộp xốp, thìa đĩa cốc nhựa đang là những sản phẩm được sử dụng hằng ngày và tiêu dùng nhiều nhất. Mặc dù nhiều cơ sở CB-KDTP đã thử nghiệm sử dụng các loại bao bì khác thân thiện với môi trường, nhưng đa số cơ sở chưa nhận thức được các tác động của BB&SP1 đến sức khỏe. BB&SP1 được cho là có nhiều ưu thế hơn các sản phẩm tự phân hủy do đó, cả cơ sở CB-KDTP và người tiêu dùng vẫn duy trì thói quen sử dụng BB&SP1.

Thứ hai, thực phẩm, ăn uống là sản phẩm thiết yếu, do đó, các hoạt động mua bán online đang trở thành xu thế, đặc biệt trong thời gian diễn ra dịch Covid. Việc tăng cường các hoạt động mua bán trực tuyến đã làm gia tăng nhu cầu sử dụng BB&SP1. Với sự phát triển của khoa học công nghệ, các sàn thương mại điện tử và các công ty kết nối công nghệ, dự báo xu hướng bán hàng của các cơ sở CB-KDTP và xu hướng mua hàng của người tiêu dùng đã và đang thúc đẩy việc tiêu dùng nhiều hơn các BB&SP1.

Thứ ba, mặc dù đã có các quy định, chính sách về giảm thiểu tiêu dùng BB&SP1 nhưng có rất ít cơ sở CB-KDTP biết đến quy định này. Đặc biệt, các cơ sở CB-KDTP và người tiêu dùng lại thiếu thông tin về sản phẩm thay thế, do đó hành vi sử dụng BB&SP1 đang trở thành 1 thói quen ăn sâu vào lối sống của người dân ở hai đô thị lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM).

Thứ tư, cả cơ sở CB-KDTP và người tiêu dùng đều có mong muốn sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường để dần thay thế BB&SP1 nhưng vì sản phẩm thay thế này giá thành còn đắt, chưa tiện lợi và chưa sẵn có trên thị trường. Hơn nữa, có một sự “lệch pha” giữa tâm lý người bán hàng và người tiêu dùng: trong khi người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm chi phí để được sử dụng bao bì khác tốt thì các cơ sở CB-KDTP rất e ngại khi phải tính thêm chi phí cho khách hàng (hơn 50% cơ sở CB-KDTP cho rằng việc tính thêm 1 phần chi phí bao bì cho khách hàng là không phù hợp).

 

Như vậy, dự báo trong ngắn hạn, hành vi tiêu dùng BB&SP1 sẽ tiếp tục tăng lên. Tuy nhiên, trong dài hạn, hành vi này sẽ dần chuyển đổi sang sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, thúc đẩy tiêu dùng xanh.Tham gia duy trì củng cố mô hình hành vi tiêu dùng BB&SP1 có rất nhiều bên liên quan khác nhau. Tuy nhiên, có 3 chủ thể giữ vai trò quan trọng, quyết định đến mô hình này đó là Các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ sở CB-KDTP và người tiêu dùng. Ngoài việc tác động vào nhóm 3 chủ thể này để làm thay đổi mô hình hành vi này thì cũng cần xem xét tới nhóm 4 yếu tố có tác động đến việc tiêu dùng BB&SP1, đó là Khoa học công nghệ, Quy định, chính sách của Nhà nước, Thị trường các sản phẩm bao bì đóng gói và dịch Covid.

Bài viết liên quan