“Kích hoạt” mô hình “Đô thị giảm nhựa” tại Hà Tĩnh

“Kích hoạt” mô hình “Đô thị giảm nhựa” tại Hà Tĩnh

Dân số phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh, khối lượng rác thải nhựa phát sinh trong cộng đồng rất lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường. Tại thành phố Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh), với các chuỗi hoạt động thiết thực kết hợp cùng dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam”, ý thức của người dân đã được nâng lên, việc giảm thải rác thải nhựa cũng được thực hiện đồng bộ, hiệu quả.

Hiệu quả từ hoạt động tuyên truyền

Những năm trước đây, việc sử dụng đồ nhựa, túi nilon trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh diễn ra khá phổ biến. Điều đó tuy mang lại tiện ích cho mỗi người, nhưng thói quen sử dụng đồ nhựa một lần rồi vứt bỏ đã gây nên nhiều hệ lụy với môi sinh, môi trường, thậm chí gây nguy hại cho sức khỏe của người sử dụng. Bởi rác thải nhựa sau khi sử dụng nếu không được thu gom, xử lý đúng quy trình thì rất khó phân hủy trong môi trường tự nhiên.

Ngay sau khi tham gia chương trình đô thị giảm nhựa, lãnh đạo thành phố Hà Tĩnh đã giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Hội LHPN thành phố, Phòng Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện tại các địa bàn phường xã. Bước đầu, phối hợp với Hội phụ nữ phường Hà Huy Tập tổ chức tập huấn cho 60 hộ gia đình trên địa bàn phường về nâng cao nhận thức về rác thải nhựa; hướng dẫn phân loại tại nguồn và làm phân compost từ rác hữu cơ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thu gom, phân loại, xử lý rác trên địa bàn thành phố vẫn còn bộc lộ những hạn chế. Nhiều người sống ở khu vực thành phố Hà Tĩnh khi trao đổi chuyện về việc thu gom, phân loại rác, chống rác thải nhựa nhận thấy: Nhận thức của người dân đối với vấn đề rác thải nhựa chưa cao do đó việc sử dụng túi nilon, đặc biệt các sản phẩm dùng một lần tràn lan, cùng với đó là việc vứt rác bừa bãi dẫn tới việc phát sinh các điểm nóng ô nhiễm rác thải trên địa bàn…

Mới đây, nghe tin thành phố Hà Tĩnh triển khai chương trình đô thị giảm nhựa, nhiều gia đình bắt đầu thay đổi nếp nghĩ về rác thải. Một số nơi tại khu phố triển khai thí điểm, người dân vui vẻ khi trao đổi với cán bộ nhân viên thu gom rác vào mỗi chiều: “Thay đổi thói quen, khó cũng phải làm”; “Nếu thành phố phát động phong trào hướng mục tiêu không còn rác thải nhựa ngoài thiên nhiên thì quá tốt”…

Thay đổi thói quen từ những mô hình mới lạ

Tại Hà Tĩnh, nhiều phong trào, mô hình về bảo vệ môi trường được gây dựng, duy trì hoạt động vừa mục đích để tuyên truyền đến người dân, đồng thời trực tiếp thu hút cộng đồng cùng tham gia thực hiện. Bước đầu có thể ghi nhận những mô hình như: “Phụ nữ sống xanh”, “Nói không với rác thải nhựa”, “Phân loại rác tại nguồn” do Hội Phụ nữ làm nòng cốt; “Ngày thứ Bảy tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh” của Đoàn Thanh niên; “Xanh – sạch – đẹp” trong các trường học… đã từng bước cải thiện chất lượng môi trường.

Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Phương – Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Tĩnh cho biết “Qua theo dõi, nắm tình hình thì hiện nay các phường, xã, tổ dân phố đều có mô hình “Ngôi nhà xanh” thu gom rác thải tái chế, mô hình “Chị em phụ nữ xách giỏ đi chợ”, mô hình “Ngôi nhà tiết kiệm thu gom rác thải nhựa”, mô hình “Ngôi nhà xanh- tiết kiệm sinh thái”…phát huy hiệu quả tích cực. Qua các mô hình này đã góp phần nâng cao ý thức, hạn chế tối đa sử dụng các sản phẩm phát sinh rác thải nhựa, góp phần phòng ngừa ô nhiễm môi trường, xây dựng thành phố văn minh, sạch đẹp”, bà Trần Thị Phương cho biết thêm.”

Thành phố Hà Tĩnh là 1 trong 10 địa phương đầu tiên của Việt Nam ký cam kết tham gia chương trình “Đô thị giảm nhựa”, thuộc Dự án giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam. Chương trình nhằm hiện thực hóa mục tiêu giai đoạn 2022-2025, thành phố Hà Tĩnh sẽ giảm 50% lượng rác thải nhựa chưa được quản lý có nguy cơ thất thoát ra biển, 90% các chủ nguồn thải được phân loại tại nguồn. Đặc biệt sẽ giải quyết triệt để các vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa, hướng tới mục tiêu không còn rác ngoài thiên nhiên vào năm 2030.

Ông Phan Lam Sơn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh, cho hay: “Thực hiện Kế hoạch 123/KH-UBND ngày 06/5/2019 của UBND tỉnh, thời gian qua, phong trào “Chống rác thải nhựa” đã được triển khai rộng rãi. Thông qua các hoạt động thực sự tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân về tác hại của rác thải nhựa; một bộ phận người dân đã chủ động, tự giác, có ý thức và hành động để giảm thiểu việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần thông qua việc sử dụng các sản phẩm thay thế”.

Bài viết liên quan